Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa nỗi ám ảnh

Hà An| 16/05/2019 06:26

(HNM) - Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy: Ở Việt Nam, hiện cứ 2 người trưởng thành thì có 1 người bị bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, trên 60% người bị tăng huyết áp lại chưa được phát hiện và trên 80% số này chưa được điều trị. Đây thực sự là những con số ám ảnh khi huyết áp cao gây ra hàng loạt biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người.


Giới y học đã xem bệnh tăng huyết áp là “kẻ thù thầm lặng” của sức khỏe. Nhận diện được những vấn đề cơ bản của “kẻ thù thầm lặng” là bước đầu tiên trước khi tính đến việc dần đẩy lùi nỗi ám ảnh này.

Thứ nhất, đây là thách thức y tế toàn cầu khi tăng huyết áp đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, mỗi năm lấy đi cuộc sống của hơn 7 triệu người. Con số bệnh nhân đột quỵ không ngừng tăng, cũng như tỷ lệ đột quỵ do tăng huyết áp chiếm đa số càng khẳng định tăng huyết áp không có dấu hiệu giảm.

Thứ hai, tăng huyết áp cũng như bệnh đột quỵ đang trẻ hóa.

Thứ ba, tác hại về bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp gây ra đã tới mức báo động từ lâu, song nhận thức và việc điều trị đều chưa tương xứng trong cộng đồng. Những công bố về căn bệnh này ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều cho thấy rõ điều đó.

Xóa những con số ám ảnh về bệnh tăng huyết áp phải bắt đầu từ chính những nguyên nhân trên. Dễ thấy, điểm chung trong diễn biến nguy hiểm của tăng huyết áp cũng như nhiều bệnh mạn tính không lây liên quan là: Sự chủ quan trong cộng đồng và sự hạn chế trong hiểu biết, cách phòng ngừa, ngăn chặn bệnh của người dân.

Bớt chủ quan, nhìn nhận nghiêm túc về tăng huyết áp cũng như các biện pháp đẩy lùi căn bệnh này, trước hết cần vai trò to lớn của ngành Y tế. Cụ thể, tăng huyết áp vốn không có triệu chứng điển hình, nên tiếng nói của các y, bác sĩ trong việc kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, hướng dẫn cách phòng, chữa bệnh là vô cùng quan trọng.

Càng nhiều người dân biết và sớm biết tự quan tâm chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật từ chế độ sinh hoạt hằng ngày, giảm tải gánh nặng bệnh tật do tăng huyết áp gây ra..., thì số người bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… sẽ càng giảm.

Việc tuyên truyền muốn hiệu quả, nên có phương thức phù hợp với đối tượng, tới từng địa phương, qua nhiều kênh, đặc biệt là qua phương tiện thông tin đại chúng. Nguyên tắc tuyên truyền là dễ hiểu, dễ nhớ, gây ấn tượng và kết hợp tuyên truyền thành từng đợt với tuyên truyền bền bỉ, lâu dài. Ví như: "Nhớ chỉ số huyết áp như nhớ số tuổi của mình", "Chủ động đo huyết áp mà không đợi triệu chứng"; "Giảm 2mmHg huyết áp sẽ giảm 10% nguy cơ tử vong do đột quỵ"...

Mỗi người dân muốn phòng bệnh cho mình và người thân cũng cần dành đủ sự quan tâm cho vấn đề này nhằm: Tránh tình trạng có nguy cơ tăng huyết áp mà không biết; chủ động nhận biết các dấu hiệu tăng huyết áp để phòng ngừa, tránh những nhận định lầm lẫn như tăng huyết áp là bệnh chỉ có ở người già…; điều trị bệnh đúng cách.

Trước hết là duy trì lối sống lành mạnh cả thể chất và tinh thần với rất nhiều chỉ dẫn cụ thể: Giảm ăn mặn, tăng cường dinh dưỡng từ rau xanh, quả tươi; duy trì vòng bụng trong ngưỡng phù hợp (dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ); vận động thể lực đều đặn, hợp lý; ngưng hút thuốc lá, thuốc lào; giữ trạng thái tinh thần tích cực...

Duy trì những giải pháp tự nhiên mà không cần dùng thuốc để ổn định huyết áp là phương pháp lý tưởng. Tuy nhiên, trường hợp phải dùng thuốc thì cũng tuyệt đối không tùy tiện mua thuốc điều trị mà bỏ qua chỉ dẫn của bác sĩ.

Bền bỉ và bền bỉ như vậy, đó là cách duy nhất để xóa dần nỗi ám ảnh về tăng huyết áp!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa nỗi ám ảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.