Giúp người nghiện, người sau cai nghiện ma túy xóa mặc cảm, tạo niềm tin vào những điều tốt đẹp có tác dụng nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện. Vì thế, giải pháp này được các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội áp dụng đồng bộ tại các cơ sở cai nghiện ma túy, đồng thời triển khai linh hoạt ngoài cộng đồng.
Vui, khỏe dưới những “ngôi nhà chung”
Các cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội được ví như “ngôi nhà chung” của những người vướng vào ma túy trong quá trình họ điều trị cai nghiện. Khi đến đây, tất cả học viên luôn được đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên làm việc tại các cơ sở coi như anh em, bạn bè, tạo ra bầu không khí thân thiện, thoải mái. Cùng với quá trình chăm sóc về y tế, học viên được tham gia nhiều hoạt động hữu ích để rèn luyện sức khỏe thể chất, tinh thần.
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội Nguyễn Ái Học cho biết, đơn vị khuyến khích, tạo thuận lợi cho tất cả học viên rèn luyện sức khỏe thể chất bằng cách tập trên máy chạy bộ, máy đạp xe, tập thể hình, chơi các môn thể thao ngoài trời. Học viên được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, được tư vấn về tâm lý, kỹ năng sống tích cực, học văn hóa, học chuyên đề sửa đổi hành vi nhân cách… Ngoài ra, học viên còn được tham gia lao động trị liệu bằng cách học và làm một số nghề (may, hàn, điện tử, mộc). Sản phẩm đạt yêu cầu do học viên làm ra được trả công, tạo hứng thú cho họ trong quá trình lao động trị liệu…
Tương tự, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội tiếp thêm động lực, niềm tin vào những điều tốt đẹp cho học viên trong quá trình điều trị thông qua nhiều chương trình, hoạt động bổ ích. Riêng với hoạt động lao động trị liệu, do đơn vị có học viên nữ, nên nghề làm tóc giả được “nhân cấy” tại đây. Học viên N.T.H.H chia sẻ: “Việc tham gia lao động trị liệu vừa giúp chúng tôi rèn luyện kỹ năng làm việc, vừa thấy bản thân sống có ý nghĩa. Nhờ đó, chúng tôi sống vui, khỏe, suy nghĩ tích cực”.
Còn tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội, việc trang bị các kỹ năng cho học viên diễn ra thường nhật. Đặc biệt, với công tác đào tạo nghề, đơn vị tiến hành tham khảo thị trường lao động, khảo sát nhu cầu của học viên trước khi tổ chức đào tạo, giúp học viên được học các nghề phù hợp. Theo đó, năm 2023, cơ sở phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức lớp dạy nghề điện dân dụng, sửa xe máy và hàn điện cho 130 người.
Coi học viên là trung tâm và đối tượng hướng đến, các cơ sở cai nghiện ma túy khác cũng có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo về đời sống, động viên về tinh thần, giúp những người từng lầm đường, lạc lối sống vui, sống khỏe, suy nghĩ tích cực hơn.
Lắng nghe và chia sẻ
Hoàn thành thời gian cai nghiện trở về cộng đồng, người sau cai nghiện ma túy tiếp tục được giúp đỡ để hòa nhập xã hội. Tiếp xúc với các đối tượng sau cai nghiện ma túy bằng tinh thần lắng nghe và chia sẻ, các cơ quan chức năng nhận thấy, cách tốt nhất để họ hòa nhập xã hội là giúp họ có việc làm mang lại thu nhập; đồng thời được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn tâm lý, quản lý sau cai tại cơ sở.
Về công tác tạo việc làm, những người đủ điều kiện và có nhu cầu được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tự tạo việc làm. Những người có nguyện vọng kết nối với thị trường lao động được các cơ quan chức năng nhiệt tình làm cầu nối.
Tại các phiên giao dịch việc làm lưu động diễn ra gần đây, các ngành, địa phương mang đến cơ hội việc làm cho hàng trăm người mới chấp hành xong hình phạt tù và người sau cai nghiện ma túy. Các đơn vị tuyển dụng lao động cũng xóa bỏ những rào cản, sẵn sàng tiếp nhận những người từng lầm lỡ vào làm việc, nếu họ đáp ứng được yêu cầu. Chị Phí Minh Ngọc, nhân viên nhân sự Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam cho hay: “Chỉ cần người ứng tuyển trung thực, cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định, họ sẽ rộng mở cơ hội việc làm. Với những người trúng tuyển, chúng tôi tiếp tục theo dõi trong thời gian thử việc, nếu làm việc tốt, chấp hành tốt nội quy lao động, họ sẽ trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp”.
Để gia tăng số lượng người được tư vấn, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy và quản lý sau cai tại cộng đồng, các ngành, địa phương chú trọng mở thêm dịch vụ trợ giúp. Chẳng hạn, huyện Thanh Trì vừa đưa mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” đi vào hoạt động tại xã Vạn Phúc và xã Tứ Hiệp. Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mậu Luận cho biết, tất cả những người có nhu cầu tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy hoặc cần tư vấn, điều trị cai nghiện trên địa bàn xã Vạn Phúc cũng như các địa phương lân cận đều được trợ giúp kịp thời.
Có thể nói, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đã và đang tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng. Nhờ đó, không ít trường hợp được tiếp thêm động lực, niềm tin để vượt qua những cám dỗ, làm lại cuộc đời sau những tháng ngày lầm lỡ. Như trường hợp anh L.H.P, ở thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) hay anh N.Đ.Q, ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm)...
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, việc giúp người nghiện, người sau cai nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, tin tưởng vào những điều tốt đẹp là giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện ma túy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.