Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa ''điểm nghẽn'' lấy nước gieo cấy vụ xuân

Kim Nhuệ| 28/11/2022 07:39

(HNM) - Dự báo nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa xuân 2023 của thành phố Hà Nội tiếp tục khó khăn. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư xây dựng công trình, “xóa điểm nghẽn” về lấy nước theo hướng thích ứng mực nước sông hạ thấp đang là vấn đề quan tâm đối với ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì nạo vét lòng dẫn và lắp đặt Trạm bơm dã chiến Sơn Đà chuẩn bị lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ xuân 2023.

Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ xuân 2023, thành phố dự kiến gieo trồng 102.680ha; trong đó có khoảng 81.000ha lúa, 21.680ha rau màu. Thời vụ gieo mạ bắt đầu từ ngày 20-1 đến 5-2-2023; cấy lúa tập trung từ ngày 4-2 đến 28-2-2023. Như vậy, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2-2023 sẽ là giai đoạn cao điểm lấy nước đổ ải, chuẩn bị làm đất gieo cấy lúa xuân. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nêu trên, dự báo tổng lượng mưa trên địa bàn thành phố phổ biến ở mức thấp hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm; tổng lượng dòng chảy trên hệ thống sông thuộc thành phố Hà Nội thấp hơn từ 10 đến 30%... Mực nước hạ du các sông: Hồng, Đà, Đuống có xu hướng xuống thấp, phụ thuộc nguồn điều tiết của các hồ thủy điện.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, dung tích trữ của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng đang ở mức thấp. Hơn nữa, trùng với thời gian cần xả nước phục vụ gieo cấy, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phải thay thế thiết bị định kỳ bắt buộc nên sẽ chỉ vận hành tối đa 7/8 tổ máy, dẫn đến nguồn nước bổ sung cho hạ du các sông: Hồng, Đà, Đuống sẽ thiếu hụt.

Theo tổng hợp của các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, Hà Nội có khoảng 55.000ha sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nguồn nước các sông: Hồng, Đà, Đuống. Những năm qua, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi thích ứng mực nước sông hạ thấp, giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết của hồ thủy điện. Tuy nhiên, do tốc độ hạ thấp lòng dẫn các sông: Hồng, Đà, Đuống quá nhanh khiến nhiều công trình thủy lợi của Hà Nội không thể vận hành, như các trạm bơm: Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Sơn Đà và Trung Hà (huyện Ba Vì), Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Cống Thôn (huyện Gia Lâm)...

Để bảo đảm đủ nước gieo cấy lúa xuân 2023, các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội báo cáo UBND thành phố cho phép sớm lắp đặt trạm bơm dã chiến thay thế nhiệm vụ của công trình chính; đề xuất Bộ NN&PTNT điều chỉnh linh hoạt các đợt lấy nước...

Liên quan nội dung này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thủy lợi xem xét, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu tiếp tục xả nước đợt 3 hoặc duy trì mực nước trên sông Hồng tại Trạm Thủy văn Sơn Tây ở mức 2m tối thiểu 7 ngày sau đợt 2 để bảo đảm cho Trạm bơm dã chiến Phù Sa vận hành; sớm thông báo lịch lấy nước chính thức đến các địa phương để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phục vụ sản xuất...

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 trên cơ sở bố trí diện tích, cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp thực tế của địa phương và năng lực nguồn nước. Đối với những diện tích cấy lúa có khả năng không bảo đảm đủ nước tưới suốt vụ, các địa phương phải kiên quyết chuyển sang cây trồng có nhu cầu dùng nước thấp... Các doanh nghiệp thủy lợi thành phố kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi sau mùa mưa bão năm 2022; sửa chữa các hư hỏng công trình, nạo vét bể hút, cửa lấy nước từ các sông: Hồng, Đà, Đuống; hoàn thành lắp đặt các trạm bơm dã chiến: Sơn Đà, Phù Sa, Ấp Bắc... trước ngày 30-11. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố xây dựng phương án, đề xuất giải pháp, kinh phí lắp đặt trạm bơm dã chiến hoặc phương án điều tiết nguồn nước thay thế...

“Chi cục sẽ tổng hợp kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi, báo cáo Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND thành phố đầu tư kinh phí xây dựng công trình thích ứng mực nước sông hạ thấp, bảo đảm đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng lúa xuân trong năm 2023 và những năm tiếp theo...”, ông Đào Quang Khải thông tin thêm.

Thực tế nhiều năm gần đây, Hà Nội luôn là địa phương gặp khó khăn trong lấy nước gieo cấy vụ xuân. Do đó, việc tăng cường đầu tư, xóa các “điểm nghẽn” lấy nước, thích ứng mực nước sông hạ thấp là rất cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa ''điểm nghẽn'' lấy nước gieo cấy vụ xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.