Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa bỏ lò gạch thủ công ở Hà Nội: Khó cũng phải làm

Thu Hằng| 27/12/2010 07:25

Đã tròn 10 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 115/2001/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010. Theo đó, việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị sẽ phải kết thúc trước năm 2005, các vùng khác trước năm 2010.


Bài 1: Ô nhiễm và mất an toàn

* Đến hết tháng 11, Hà Nội vẫn còn hơn 1.200 lò gạch thủ công hoạt động
* Trên 70% lò gạch không có ống khói


Sát ngày đóng ca nhưng gn 30 lò gch không ng khói xã Phùng Xá (Thch Tht) vn vô tư hot đng.


(HNM) - Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 29-6-2010 của UBND thành phố nêu rõ: Đến quý IV-2010, các cơ sở sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công tiếp tục vi phạm quy định, kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế giải tỏa lò gạch thủ công không ống khói, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động... Nhưng thực tế, chính quyền một số địa phương vẫn bất lực, cho dù chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm 2011.

Lò không ống khói "vô tư" nhả khói

Thời gian "xóa" lò gạch thủ công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ còn vài ngày nữa, nhưng theo khảo sát của PV Hànộimới (ngày 24-12) tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như: Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai..., hàng trăm lò gạch không ống khói vẫn ngày đêm nhả khói, bất chấp dư luận.

Tại khu đồng Mả Nan, xã Phùng Xá (Thạch Thất), không khí làm việc tại các lò gạch thủ công vẫn tấp nập không khác gì một công trường xây dựng. Tại đây, khoảng 10/27 lò đang nhả khói nghi ngút; một số lò khác tiếp tục xếp gạch mộc, than chuẩn bị đốt lò mới. Một chủ lò tại đây (giấu tên) cho biết, xã cũng đã "tống đạt" nhiều văn bản thông báo đến hết tháng 12-2010 là phải tháo dỡ lò gạch. Nhưng do nguyên liệu sản xuất còn nhiều, nên họ tranh thủ đốt thêm mấy lò nữa.

Gần đó, các lò gạch, ngói thủ công ở các xã Kim Quan, Lại Thượng, Phú Kim... cũng đang hoạt động hết công suất, bất chấp thời gian phải tháo dỡ đã cận kề. Ông Dương Văn Phúc, Trưởng thôn 2, xã Kim Quan cho biết, nghề làm ngói thủ công ở địa phương đã có cả trăm năm nay. Toàn xã hiện có 21 lò, tập trung ở thôn 2 và thôn 5. Nay phải phá bỏ thì không có nghề gì để sinh sống. Anh Cấn Văn Thiều, một chủ lò ở thôn 5 giãi bày: "Ai cũng biết đốt lò gạch, ngói ngay trong khu dân cư là ô nhiễm môi trường, nhưng đây là nghề truyền thống của địa phương có hàng trăm năm nay; đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bây giờ, Nhà nước có chủ trương "xóa" lò đốt gạch, ngói thủ công thì hàng nghìn lao động địa phương sẽ đi đâu để kiếm việc làm?".


Lò gạch không ống khói ở xã Lại Thượng (Thạch Thất) vẫn nhả khói nghi ngút.


Khảo sát thêm ở một số xã thuộc huyện Quốc Oai, Phúc Thọ, Phú Xuyên… nhiều lò gạch vẫn đang đỏ lửa. Số lượng gạch mộc đã sản xuất chưa vào lò còn khá nhiều, có chủ lò còn cả chục vạn viên. Như vậy, có thể thấy, mặc dù các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở đã quyết tâm "xóa" lò gạch thủ công trong năm nay, nhưng hầu hết các chủ lò vẫn "bỏ ngoài tai" sự chỉ đạo của cấp trên, tiếp tục nung đốt.

Cần thêm thời gian?

Theo Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương phải từng bước phát triển sản phẩm gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Thời gian còn lại rất ít, nhưng theo ông Hà Ngọc Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đến hết tháng 11-2010, Hà Nội vẫn còn hơn 1.200 lò gạch thủ công không theo quy hoạch, không có giấy phép kinh doanh, không bảo đảm an toàn... vẫn đang ngày đêm "nhả khói" gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong đó, số lò thủ công không có ống khói vẫn chiếm đến trên 70%; số còn lại là lò thủ công cải tiến có ống khói.

Được biết, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã có những quy định cụ thể nhằm từng bước thực hiện Quyết định 115 như: không ký hợp đồng mới đối với chủ lò, cấm đốt gạch trong thời gian sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, một số chủ lò gạch vẫn "phớt lờ" những quy định của chính quyền địa phương, chính điều này là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn, phá hoại hoa màu đáng tiếc xảy ra. Điển hình là vụ ngạt khói lò gạch làm 3 người chết xảy ra tại huyện Sóc Sơn tháng 11 vừa qua và vụ hàng chục héc ta lúa, hoa màu bị lò gạch "thiêu" xảy ra trên địa bàn các huyện Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai... làm chính quyền địa phương đau đầu xử lý.

Theo kế hoạch, đến năm 2010, giải pháp thay thế và tiến tới xóa bỏ các lò gạch thủ công trên cả nước chính là lò tuynen với dây chuyền sản xuất hiện đại. Công nghệ này có nhiều ưu điểm: chất lượng sản phẩm tốt, không gây ô nhiễm môi trường... Nhưng để hoàn chỉnh một dây chuyền sản xuất gạch tuynen kiểu lò đứng liên tục, công suất 3 triệu viên/năm, nhà đầu tư phải bỏ ra gần 10 tỷ đồng; kinh phí đó tăng lên khoảng 25-30 tỷ đồng nếu xây dựng lò tuynen kiểu vòng, công suất 10 triệu viên/năm. Với số tiền đầu tư lớn như vậy không phải chủ lò gạch thủ công nào cũng đủ tiền để xây lò tuynen. Trước thực tế đó, UBND các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất đề nghị TP cho phép địa phương lập quy hoạch vùng sản xuất VLXD tập trung, phù hợp với quy hoạch của huyện với quy mô vừa và nhỏ bằng lò cải tiến theo công nghệ mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để hạn chế, tiến tới xóa bỏ các lò gạch thủ công và giải quyết một số vấn đề phát sinh sau khi "xóa" lò gạch thủ công rất cần có thêm thời gian và sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải đẩy nhanh việc xây dựng các lò gạch tuynen và phân bố đồng đều ở các địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ lò gạch thủ công ở Hà Nội: Khó cũng phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.