(HNM) - Giải trình trước Quốc hội trong kỳ họp này, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định rằng từ năm 2008 Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về thủ tục và hiệu quả đầu tư ở nhiều tập đoàn, Tổng Công ty (TCty) nhà nước nhưng kết quả không bao giờ được như dự kiến bởi không ít lý do.
Các doanh nghiệp đưa ra không ít chứng cứ pháp lý biện minh cho việc họ làm. Ví dụ theo luật định, họ được phép đầu tư những dự án với số vốn lên tới 50% giá trị tài sản. Như vậy, một tập đoàn như Vinashin có thể đầu tư một dự án tới 57 nghìn tỷ đồng, lớn hơn cả dự án trọng điểm quốc gia!?
Một vấn đề được đặt ra: Để có tiền thực hiện, một dự án trọng điểm quốc gia phải được Quốc hội thông qua, chuẩn y ngân sách, trong khi đó một dự án khác cần nhiều tiền hơn thì lại không cần đến Quốc hội nếu như nó do một tập đoàn hay một TCty nhà nước nhận thấy cần phải làm.
Tại sao một tập đoàn, một TCty lại có những quyền: Không hợp tác với thanh tra của bộ; tự quyết định giá trị đầu tư kể cả khi nó vượt quá dự án trọng điểm quốc gia mà không quan ngại tới trách nhiệm phải gánh chịu? Đơn giản chỉ là do trong luật còn nhiều lỗ hổng như nhiều bộ trưởng khẳng định với Quốc hội?
Đã nhiều năm, theo dõi các phiên điều trần trước Quốc hội của thành viên Chính phủ, chúng tôi có thể hiểu tại sao các tập đoàn không hợp tác với đoàn kiểm tra mà viện dẫn đủ mọi quy định... Chúng tôi cho rằng họ không có gì là sáng tạo, họ chỉ đơn giản: Mỗi khi bị dồn vào thế bí, cách trả lời tốt nhất là cũng "đá bóng sang sân Thủ tướng", nghĩa là viện dẫn đủ mọi chỉ thị, nghị định, yêu cầu… của Thủ tướng đối với ngành của mình để bào chữa cho thiếu sót, sai lầm.
Còn tại sao các tập đoàn nhà nước lại có quyền đầu tư lớn như vậy? Khó có thể tin là các bộ trưởng hay Chính phủ không biết quyền đầu tư như vậy của tập đoàn có nghĩa là gì. Nhưng tại sao khi làm luật họ không phản đối? Phải chăng vì những quy định đó có lợi cho ngành của họ?
Trước Quốc hội, một số bộ trưởng nhận khuyết điểm: "Ủy ban Kiểm tra Trung ương có phê bình chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề nhưng sao lại không theo dõi tới cùng để kiên trì bảo vệ quan điểm của mình. Khuyết điểm chúng tôi xin nhận. Đây là bài học lớn. Vì đang trong quá trình thí điểm nên có mắc mớ, sai sót và phải được sửa chữa, khắc phục để không có Vinashin thứ hai...".
Vinashin thứ hai có thể sẽ không có, nhưng ai dám chắc sẽ không có một tập đoàn hay TCty nào "đi nhầm" vào vết xe của Vinashin?
Để đất nước đi lên, ai cũng chỉ khao khát một điều rằng các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý biết nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm từ những bài học đau xót để dự đoán chính xác các vấn đề phát sinh, đưa ra những giải pháp phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế… Chẳng ai bằng lòng với cái cách phải rút kinh nghiệm hết lần này đến lần khác, rồi lần sau lại thế. Xin đừng để cử tri nghe mãi câu nói "Xin rút kinh nghiệm" như lời nói cửa miệng, nhẹ tênh đến như vậy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.