(HNM) - BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa VI vừa họp phiên thứ 12. Đó là một sự kiện được nhiều người quan tâm, không phải vì góp phần giải quyết khó khăn chung của đời sống xã hội, cũng không phải vì kỳ vọng nền bóng đá Việt Nam khá lên sau một cuộc họp.
Sự kiện ấy được quan tâm bởi có một nội dung quan trọng liên quan đến việc tổ chức Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa VII vào đầu tháng 6 tới, tức là liên quan đến chuyện "bầu bán" các chức danh chủ chốt của Liên đoàn.
Không quan tâm sao được khi vài tuần qua, ứ ự thông tin về chức danh Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa tới. Người ta viết, bàn về "tâm, tầm, tài", những điều cần có của vị Chủ tịch tương lai. Người ta đưa tên ông A, ông B, "luận" nhiều điều để rồi ngầm "chốt lại vấn đề", rằng ông ấy, vị ấy xứng đáng ngồi vào ghế nóng. Có người nói nhân sự chủ chốt của Liên đoàn kỳ tới phải là doanh nhân thành đạt, am hiểu và yêu bóng đá. Cũng có người ngầm bày tỏ chính kiến, rằng phải chọn nhà quản lý ngành vào ghế Chủ tịch. Tất nhiên, qua những gì thể hiện trên các phương tiện truyền thông, phía ủng hộ doanh nhân "đả" quan điểm chọn nhà quản lý, và ngược lại. Hai luồng ấy, về cơ bản có sự thống nhất ở một điểm: Bóng đá Việt Nam trong những năm qua còn nhiều yếu kém và bởi vậy, việc chọn ai vào ghế Chủ tịch cũng như một số chức danh chủ chốt khác của Liên đoàn là rất quan trọng đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong những năm tới.
Chỉ có điều lạ là so với sự sôi nổi tranh luận "doanh nhân hay quản lý", ít người "nói đến cùng" khi đề cập yêu cầu công khai chương trình hành động của các ứng viên. Nói "lạ" bởi trước yêu cầu lựa chọn nhân sự cho Liên đoàn, không có gì quan trọng hơn, đáng phân tích hơn là người đó có thể làm được gì? Muốn biết vị A, vị B định làm, có thể làm được gì, không có gì tiện hơn là "soi" chương trình hành động cụ thể của họ. Công khai chương trình tranh cử không chỉ giúp người trong giới phân tích đúng sai, có là "chém gió" hay không, "trình" của ứng viên đến đâu… mà còn giúp dư luận đối chiếu với hành động sau này của họ (nếu trúng cử).
Nhìn ra nước ngoài, không cứ chính khách vận động tranh cử, ngay cả việc vận động để được bầu vào chức danh chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá nào đó thôi đã rất quyết liệt rồi. Nhiều khi, ứng viên tự bỏ rất nhiều tiền ra mua cầu thủ giỏi, khẳng định quan điểm phát triển câu lạc bộ trong trường hợp họ được bầu. "Cử tri" nhìn vào những điều cụ thể, việc làm cụ thể của ứng viên, bầu cho người có thể mang lại lợi ích tối đa cho câu lạc bộ.
Với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, một tổ chức xã hội mà hoạt động dưới sự điều hành của tổ chức đó có tính xã hội hóa rất cao, thuộc dạng dễ tạo nguồn thu, vấn đề được mong chờ ở ứng viên không nghiêng hẳn về khả năng huy động kinh phí, cũng không phải là kinh nghiệm quản lý ngành thể thao nói chung. Điều được quan tâm nhất là các vị sẽ làm được gì cho bóng đá Việt Nam, có kế hoạch phát triển dài hạn không hay chỉ chăm chắm đích ngắn hạn, như chức vô địch "ao làng" để yên bề dư luận?
Hôm kia, 15-5, phát biểu sau hội nghị, ông Lê Hùng Dũng, một trong hai ứng viên cho chức Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ VII, có nói, đại ý ông sẽ không tranh cử nếu ứng viên thứ hai có chương trình hành động tuyệt vời, phục vụ tốt cho sự phát triển bóng đá Việt Nam. Ông Hùng Dũng chỉ tranh cử nếu chương trình của vị kia "làng nhàng", "kiểu như kế hoạch đến hẹn lại lên".
Ngẫm ra, ông Lê Hùng Dũng nói chí phải. Quan tâm phát triển bóng đá trẻ ư? Bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong quá trình tổ chức các giải đấu ư? Trọng tài "sạch", giám sát khách quan ư? Tạo nguồn thu ư?... Nhắm mắt thì ai cũng nói được mấy mục tiêu... ai cũng biết đấy, vấn đề là đi đường nào, làm cách nào để đến đích.
Bởi thế, lúc này, nhiều người muốn biết, càng sớm càng tốt, rằng các ứng viên định làm gì, có thể làm gì, làm cách nào để phát triển bóng đá Việt Nam? Biết rộng rãi để tránh chọn nhầm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.