Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xin hãy về với nông thôn!

Nguyễn Hòa Bình| 09/07/2010 06:44

(HNM) - Hiện nay, nước ta có gần 86 triệu dân, xếp hàng thứ 3 trong các nước thuộc khối ASEAN và thứ 13 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm liền cũng được xếp vào loại cao, đặc biệt tăng trưởng xuất khẩu cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP cũng xếp vào hàng cao nhất thế giới, đạt tới 131%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt mức bình quân 16,9%/năm (chưa trừ yếu tố tăng giá tương ứng 5,1%/năm).

Ngành bán lẻ hàng hóa của Việt Nam đã đóng góp trên 15% vào GDP hằng năm, đồng thời cũng tạo việc làm cho hơn 5,4 triệu lao động.

Là ngành kinh tế tăng trưởng cao, thị trường rộng, lượng người tiêu dùng trẻ chiếm hơn 70% dân số, ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo có thể đạt doanh số tới 85 tỷ USD vào năm 2012; chính vì vậy, thị trường này được coi là hấp dẫn vào hàng thứ 3 trên thế giới - xếp trên cả Trung Quốc - nước đứng đầu thế giới về dân số và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, với hơn 74% dân số tập trung ở nông thôn và lại là khu vực có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất nên nhiều năm qua dường như ngành bán lẻ nước ta ít đầu tư cho khu vực thị trường rộng lớn này. Ngay đến cả một số mặt hàng thiết yếu như muối, dầu hỏa… tưởng là chuyện "không cần để ý" của bao người vậy mà vẫn là thứ hàng hiếm với bà con một số nơi ở vùng sâu, vùng xa.

Cả nước hiện có hơn 400 siêu thị, trung tâm thương mại thì hầu hết tập trung tại các thành phố, thị xã nơi được coi là trung tâm của mỗi địa phương. Ngay cả với hơn 8.000 chợ các loại, không phải tất cả người dân nông thôn dễ tiếp cận với các mặt hàng nhu yếu phẩm theo giá hợp lý nhất.

Vào những dịp lễ, đặc biệt là gần Tết Nguyên đán, đến như Hà Nội với hơn 6,5 triệu dân (mà quá nửa số này hiện đang sống tại khu vực nông thôn) thì chỉ có một số đơn vị thuộc ngành công thương tổ chức những đợt đưa hàng hóa về nông thôn phục vụ bà con. Để rồi, qua những đợt bán hàng hướng về "vùng sâu, vùng xa" ấy mới thấy nhu cầu của bà con là rất lớn, nhưng rồi sau đó chẳng mấy đơn vị mặn mà.

Rõ ràng, nếu ngành bán lẻ Việt Nam thiếu một chiến lược phát triển đồng bộ, ngại khó, chỉ muốn giành giật lẫn nhau từng thị phần nhỏ tại các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp, tỉnh lỵ; thì không những vừa bỏ quên một khu vực thị trường rộng lớn, lại vừa mất đi tính nhân văn cùng trách nhiệm xã hội của ngành trước những người dân còn muôn vàn thiếu thốn.

Các doanh nghiệp bán lẻ, xin hãy về với nông thôn! 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xin hãy về với nông thôn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.