(HNM) - Không phải ngẫu nhiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn Ngày Sức khỏe thế giới năm 2017 với chủ đề “Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện”.
Ở Việt Nam, số người bị bệnh trầm cảm đang có dấu hiệu ngày càng tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ, trở thành mối lo của xã hội và cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn mới có thể đưa ra những giải pháp kịp thời cho vấn đề này.
Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam đã từng bước được quan tâm đầu tư. Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng đã được đưa vào Chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống trầm cảm hiện mới bước đầu được triển khai tại một số địa phương, vì vậy hầu hết những người mắc trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và tư vấn, chăm sóc đầy đủ. Đáng lưu ý, đa số người dân còn chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người trầm cảm.
Để loại trừ được căn bệnh thời hiện đại, việc phòng, chống trầm cảm cần thiết là nội dung ưu tiên của chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam. Trong đó cần tăng cường ba giải pháp: Thứ nhất là đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, làm cho người dân có nhận thức đúng về trầm cảm, cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường để hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người trầm cảm. Thứ hai, phải phối hợp triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau thông qua các mô hình trường học nâng cao sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ sức khỏe người cao tuổi và chương trình tăng cường hoạt động thể lực cho người dân. Thứ ba, tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở, đồng thời đầu tư phát triển các cơ sở chuyên khoa tâm thần, lồng ghép phù hợp công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vào hoạt động của các cơ sở y tế đa khoa, chuyên khoa, chuyên ngành khác ở tất cả các tuyến để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người trầm cảm ở cộng đồng.
Công tác phòng, chống bệnh trầm cảm nói riêng và chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung không phải của riêng ngành Y tế vì nó liên quan đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của các ngành và lĩnh vực khác, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng có vai trò thiết yếu. Vì vậy, với việc WHO chọn chủ đề: “Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện” để tổ chức các hoạt động truyền thông, hy vọng nhận thức của cộng đồng, của mỗi cá nhân về căn bệnh này sẽ được cải thiện để chủ động phòng ngừa và điều trị đúng cách.
Tai nạn giao thông hiện cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người mỗi năm. Mỗi năm có gần 40.000 người tự tử. So sánh là khập khiễng, nhưng liên quan tới sinh mạng con người thì không thể thờ ơ!
Cần lắm, sự chung tay của toàn xã hội vì mục tiêu chất lượng cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.