(HNM) - Trong hai ngày 28 và 29-6, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) lại tề tựu tại Brussels (Bỉ) để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh thường niên mùa hè với chương trình nghị sự gồm ba vấn đề...
Giới đầu tư theo dõi số liệu thị trường chứng khoán
Diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của liên minh vẫn bất đồng về các biện pháp chống khủng hoảng, trong thư mời họp, Chủ tịch EU Van Rompuy đã buộc phải nhấn mạnh: "Thách thức với EU hiện lớn hơn bao giờ hết là phải chứng tỏ một cách rõ ràng và cụ thể rằng liên minh này đang làm bất kỳ việc gì cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng diễn biến trầm trọng".
Nỗi lo của ông V.Rompuy là không thái quá khi sức nóng và tốc độ lây lan của cuộc khủng hoảng nợ công tại Cựu lục địa vẫn đang hừng hực như một cơn cháy rừng. Nguy cơ tan rã Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) là chủ đề thường xuyên được dư luận thế giới đề cập trong thời gian gần đây. Ngay trước thềm hội nghị, Tây Ban Nha đã trở thành quân bài domino tiếp theo bị cuốn vào vòng xoáy nợ công khi phải lên tiếng xin hỗ trợ tài chính cho hệ thống ngân hàng. Ngay sau đó, Cộng hòa Síp cũng nối bước các "đàn anh" gia nhập danh sách những nước cần cứu trợ. Mặc dù là nền kinh tế nhỏ thứ 3 trong EU và dự thảo tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng "ốm yếu" chỉ chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), song theo đánh giá của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế Fitch, số tiền tái cấp vốn cho các ngân hàng Síp có thể lên tới 4 tỷ euro. Nếu so với những khoản cứu trợ mà EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải chi cho Hy Lạp và mới đây là Tây Ban Nha, gói cứu trợ mà Síp đề nghị khá khiêm tốn; song, một lần nữa, động thái này cho thấy tính cấp bách cần có một giải pháp hiệu quả và tổng thể cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại Châu Âu.
Chính sự cấp bách này, khoảng cách giữa các thành viên chủ chốt của Eurozone, đặc biệt là Pháp và Đức, trong lựa chọn giữa thúc đẩy tăng trưởng và "thắt lưng buộc bụng" đã được thu hẹp. Đó là cuối cùng các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng đã nối gót đồng minh bên kia Đại Tây Dương trong lựa chọn ứng phó với khủng hoảng tài chính khi nhất trí chi 120 tỷ euro cho các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng nhanh để tiếp thêm sinh lực cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn. Theo đó, các ngân quỹ chưa được sử dụng của EU sẽ được chuyển cho các nước nghèo nhất và vốn của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) sẽ được "bơm" thêm 10 tỷ euro. Bên cạnh đó, sau 13 giờ đàm phán, các nhà lãnh đạo EU cũng thống nhất được phương án tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng yếu kém thông qua các quỹ cứu trợ và thiết lập cơ quan giám sát hệ thống ngân hàng cho cả Eurozone. Quyết định này dự kiến sẽ được triển khai ngay từ ngày 9-7 tới, nhưng, theo các nhà phân tích, kế hoạch kích thích tăng trưởng chưa thể thực hiện trước cuối năm nay vì EU cần thời gian để huy động nguồn tiền mới. Tuy nhiên, sự đồng thuận đúng lúc của các nhà lãnh đạo EU cũng mang lại tín hiệu khả quan cho thị trường thế giới. Trong ngày 29-6, đồng euro đã tăng mạnh sau nhiều ngày trượt giá so với các ngoại tệ khác. Thị trường chứng khoán thế giới cũng đồng loạt được nhuộm xanh...
Kể từ tháng 12-2009 tới nay, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã có 18 phiên họp, trong đó 10 phiên chính thức và 8 phiên phi chính thức. Tuy nhiên, tại các cuộc họp, các nhà lãnh đạo EU hầu như chưa tìm ra "phương thuốc" nào thực sự hữu hiệu cho "cơn bạo bệnh nợ công". Mới đây nhất, cuộc họp Thượng đỉnh không chính thức của EU cách đây hơn một tháng mà giới báo chí gọi là "họp phiên chợ chiều" cũng đã kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Và, những bất đồng gây tranh cãi đành phải gác lại tới Hội nghị Thượng đỉnh chính thức lần này. Hiện tại, các nhà đầu tư hy vọng, tiến triển vừa đạt được tại Brussels có thể từng bước đưa Eurozone thoát khỏi vũng lầy tài chính đang đe dọa nhấn chìm cả Cựu lục địa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.