(HNM) - Cuộc họp của Hiệp hội Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm nay đã chuyển từ cuối tháng 9 sang cuối tháng 10, sẽ là sự kiện được nhiều trường trông đợi bởi nội dung quan trọng chính là tìm nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng khó tuyển của nhiều trường, đặc biệt là các trường CĐ
Cao đẳng chật vật
Trường ĐH Phương Đông, qua các đợt xét tuyển đã nhận được hơn 1.500 hồ sơ trên tổng số 1.900 chỉ tiêu xét tuyển, một con số khả quan, nhưng vài trăm chỉ tiêu còn lại không dễ tuyển. Trong đợt tuyển bổ sung gần đây, nhà trường chỉ nhận được hơn 100 hồ sơ. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong những trường ngoài công lập ít khi phải quá lo lắng trong việc lấp đầy chỉ tiêu, tuy thế, năm nay, với chỉ tiêu là 5.000, nhà trường khá chật vật khi chỉ tuyển được khoảng 2.000 thí sinh trong 2 đợt đầu và sau đợt tuyển thứ 3 vẫn thiếu gần 3.000 chỉ tiêu. Kết thúc 2 đợt xét tuyển đầu, Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội mới tuyển được gần 400 thí sinh, tức khoảng một nửa chỉ tiêu của trường.
Thí sinh nộp hồ sơ nguyện vọng 2 tại Trường ĐH Phương Đông.Ảnh: Như Ý |
Thống kê cho thấy ở khu vực phía Bắc, trong đợt xét tuyển thứ 4, Trường ĐH Công nghiệp Việt - Hung còn 600 chỉ tiêu. Trường ĐH Công nghệ Đông Á cần xét tuyển nguyện vọng bổ sung 800 sinh viên cho 10 ngành đào tạo. Trường ĐH Hoa Lư Ninh Bình xét tuyển gần 500 chỉ tiêu. Trường ĐH Công nghiệp - Dệt may Hà Nội xét tuyển 11 ngành trình độ CĐ với 600 chỉ tiêu. Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì xét tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu ĐH, 159 chỉ tiêu CĐ. Trường CĐ Công nghiệp Nam Định tuyển 1.500 sinh viên cho 16 ngành đào tạo. Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị xét 700 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo...
Tình trạng trên đang khiến nhiều trường, nhiều ngành đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa, đặc biệt là những ngành vốn đã khó tuyển trước đó. Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị của Trường ĐH dân lập Hải Phòng cho biết, ngành Nông học của trường vẫn được nhà trường cố gắng duy trì trong nhiều năm, nhưng năm nay rất ít thí sinh đăng ký và số nhập học còn ít hơn nữa, chỉ khoảng 10 em, nên ngành này rất khó để tiếp tục đào tạo. Điều đáng chú ý là năm nay không chỉ có trường dân lập gặp khó khăn gay gắt, mà nhiều trường công lập nhóm dưới cũng khó tuyển đủ chỉ tiêu, như Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội còn thiếu gần 8.000 chỉ tiêu, Trường ĐH Sao Đỏ cần hơn 1.000 thí sinh nữa. Trên thực tế, lãnh đạo các trường CĐ đã lường trước khó khăn từ đầu mùa thi với những quy định mới bất lợi cho trường CĐ: Nếu như mọi năm, thí sinh đăng ký xét tuyển trước khi thi, nhà trường có thể "nắm" được chắc chắn những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường. Nhưng, năm nay, trường CĐ rơi vào thế bị động bởi thí sinh biết điểm mới đăng ký, các trường ĐH thì có nhiều phương án xét tuyển khiến cho thí sinh dễ dàng vào ĐH. Vì vậy, việc hiếm nguồn tuyển cho CĐ là điều dễ hiểu.
Ở những đợt xét tuyển cuối, do thí sinh thưa thớt, nhiều trường đã bỏ việc cập nhật danh sách thí sinh theo ngày. Hiệu trưởng Vũ Văn Hóa của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thậm chí đã phải tính tới chuyện cho giáo viên nghỉ việc bớt nếu tình trạng vắng thí sinh còn kéo dài.
Cạnh tranh gay gắt
Về phía Bộ GD-ĐT, những thống kê mới nhất về kỳ tuyển sinh cho thấy, trong số hơn 300 trường ĐH, CĐ có số liệu báo cáo, thì 86 trường đã tuyển được 100% chỉ tiêu ngay từ đợt 1, có 123 trường ĐH và 52 trường CĐ tuyển được từ 50% chỉ tiêu trở lên. Bên cạnh đó, còn có tới 100 trường tuyển sinh được dưới 30% sau đợt xét tuyển thứ nhất. Các trường này đều khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu với các đợt xét bổ sung về sau với cảnh càng xét tuyển, thí sinh càng ít đi.
Trên thực tế, số lượng thí sinh đã giảm đều từ nhiều năm nay. Nếu như năm học 2006 - 2007 có tới 3,075 triệu học sinh thì tới năm học 2012 - 2013, số lượng học sinh là 2,675 triệu, năm học 2013-2014 là 2,532 triệu. Số học sinh tốt nghiệp THPT cũng giảm tương ứng, từ gần 950 nghìn vào năm 2013 xuống hơn 871 nghìn vào năm 2015. Từ đó, số thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ cũng giảm sau mỗi mùa tuyển sinh, từ 1,7 triệu thí sinh dự thi vào năm học 2011-2012 xuống còn 1 triệu thí sinh ở kỳ thi 2015-2016.
Trong khi lượng thí sinh ngày càng ít đi thì số trường lại có xu hướng tăng mạnh. Trong vòng 10 năm gần đây đã có thêm 213 trường mới được thành lập, góp phần làm tăng tổng số trường ĐH, CĐ cả nước lên gần gấp đôi. Ngoài ra, chỉ tiêu của các trường hằng năm cũng tăng cao, từ hơn 165.000 vào năm 2001 lên 640.000 năm 2014, tức là gấp hơn 3 lần, đẩy mức độ gay gắt trong cuộc cạnh tranh tuyển sinh giữa các trường lên cao.
Bộ GD-ĐT, trước câu hỏi "thí sinh đi đâu", đã đưa ra một số nguyên nhân quan trọng, trong đó có những lý do mang tính tích cực. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, thí sinh đã được phân luồng tốt hơn khi có rất nhiều em "đầu quân" vào các khu công nghiệp mới. Còn với các ngành, các trường không thể tiếp tục chống chọi trong cuộc cạnh tranh, việc đóng cửa, đình chỉ sẽ được thực hiện theo luật. Trường chỉ bị dừng tuyển sinh khi không tuyển sinh được trong 3 năm liên tiếp. Sau khi bị dừng tuyển, nếu trường không khắc phục được nguyên nhân thì mới bị đình chỉ hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.