(HNMO) - Sáng 15-8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Xử lý nghiêm hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Trình bày tờ trình, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.
Dự thảo Pháp lệnh gồm 4 chương, 45 điều, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2022, trong đó, quy định cụ thể về hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự như tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật; hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; hành vi ngăn cản việc cấp, giao, nhận, thông báo hoặc không thực hiện trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều chỉnh đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính như quy định cụ thể về hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền; hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án; hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc; hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án; hành vi đưa tin sai sự thật.
Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, dự thảo Pháp lệnh quy định về phân định thẩm quyền xử phạt trong Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự; không quy định chủ tịch UBND các cấp nơi xảy ra hành vi vi phạm có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và tán thành tên gọi là Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại khoản 3, Điều 4, Luật Xử lý vi phạm hành chính và phúc đáp yêu cầu của thực tiễn đang xảy ra ngày càng nhiều các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cần được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Bổ sung thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND các cấp
Thảo luận về dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND các cấp đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng do các hành vi này bản chất đều ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, thuộc phạm vi quản lý của UBND.
Bên cạnh đó, nếu không đồng thời giao thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND sẽ dẫn đến một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân ở địa phương có mức phạt tiền trên 20 triệu đồng đều phải chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an (Giám đốc công an cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền phạt đến 20 triệu đồng).
Phát biểu ý kiến, đối với hành vi can thiệp nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế, trong một số trường hợp, ngay trước khi thực hiện công tác thi hành án thì lại có can thiệp trực tiếp bằng văn bản từ cơ quan tố tụng có thẩm quyền yêu cầu dừng lại để xem xét.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn các đối tượng bị xử phạt cao hơn khi có hành vi cản trở hoạt động tố tụng được nêu trong dự thảo luật, đồng thời, dự thảo cần dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật về các hành vi xử phạt đã được quy định.
Giải trình thêm về vấn đề giao thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND các cấp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định, gây rối ngoài xã hội hay gây rối trong phiên tòa cũng thuộc thẩm quyền xử lý của UBND các cấp. Tiếp thu nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng, cần có phương án loại trừ, trong trường hợp các vụ án hành chính mà UBND các cấp là một bên đương sự thì không được giao thẩm quyền xử phạt.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng lý giải, xử phạt trong lĩnh vực tư pháp phải nặng hơn các lĩnh vực khác bởi hoạt động tố tụng liên quan đến quyền con người, sinh mạng của con người. “Tuy nhiên, quy định xử phạt đều nằm trong khung pháp luật, không vượt quá thẩm quyền”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất các nội dung của dự thảo Pháp lệnh; đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua, ban hành trong phiên họp ngày 18-8 sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.