(HNMO) - Chiều 10-2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng. Dự phiên họp có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với các đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính của 6 tỉnh, thành phố do Chính phủ trình. Sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh, thành phố này sẽ giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 44 đơn vị cấp xã.
Theo đánh giá, Đề án của Chính phủ về cơ bản đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Các đề án đã được lấy ý kiến của cử tri và HĐND ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.
Đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính thành phố Hà Nội, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 10 đơn vị. Trong đó, có 7 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp và 3 đơn vị hành chính cấp xã liền kề có liên quan đến việc sắp xếp.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, nhưng thành phố Hà Nội đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 là 5 đơn vị. Sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội là từ 584 đơn vị giảm xuống còn 579 đơn vị (giảm 5 đơn vị).
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm đồng tình với báo cáo tác động của Chính phủ về việc sáp nhập các đơn vị hành chính tại tỉnh Cao Bằng chưa bảo đảm tính thống nhất khi nhiều địa bàn có tính đặc thù, phức tạp về dân tộc, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, giao thông, cơ sở hạ tầng...
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng việc các đơn vị hành chính của tỉnh Cao Bằng đã thực hiện sắp xếp rất khó thuyết phục về tính hợp lý và cần phải cân nhắc kỹ trước khi tiếp tục nghiên cứu sắp xếp.
Báo cáo làm rõ về nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo khẳng định, không phải tất cả cơ sở hạ tầng, trụ sở cơ quan các huyện đều ở khu vực trung tâm; công tác phát triển kinh tế - xã hội cần được đưa vào trong nghị quyết đại hội đảng các cấp, do đó việc sắp xếp sáp nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh, sáp nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên cần được thực hiện trước khi đại hội đảng các cấp diễn ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sáp nhập 4 huyện nêu trên của tỉnh.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, do có nhiều vấn đề đang cần thảo luận thêm về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 6 tỉnh, thành phố nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét về vấn đề này trong phiên họp sáng mai (11-2)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.