Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem để suy ngẫm và hướng thiện

Thi Thi| 01/09/2014 07:24

(HNM) - Tối nay (1-9), trên sóng truyền hình VTV1 sẽ trình chiếu bộ phim tài liệu điện ảnh có thời lượng 30 phút, mang tên


Phim tài liệu điện ảnh "45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp chỉ đạo, được giao cho một đơn vị có bề dày 60 năm về phim tài liệu là Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương (DSF) đảm nhiệm trọng trách thực hiện.

Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh tư liệu



Theo bà Phạm Thị Tuyết, Tổng Giám đốc DSF, đó là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và hãng phim tự hào vì được giao trọng trách. Hãng đã giao cho nhà biên kịch, đạo diễn, đồng thời là Phó Tổng Giám đốc của DSF - Đào Thanh Tùng trực tiếp thực hiện cả ba khâu: viết kịch bản, lời bình và đạo diễn. Hãng phim kỳ vọng với kinh nghiệm làm phim chính luận của mình, đạo diễn Đào Thanh Tùng sẽ chuyển tải sâu sắc, xúc động nội dung và ý nghĩa lớn lao bản Di chúc của Bác, một văn bản giàu tính nhân văn, mang tầm thời đại và giờ đây "đã trở thành di sản ký ức, di sản tư liệu, tài sản văn hóa, tài sản tinh thần của người Việt Nam".

Bộ phim tài liệu "45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" cho chúng ta biết rõ thêm về 3 giai đoạn quan trọng với bao trăn trở khi Bác Hồ soạn ra văn bản tối mật và đặc biệt quan trọng này. Đó là thời điểm Bác viết, sửa chữa, bổ sung cho bản Di chúc vào các năm 1965, 1968, 1969 - một quá trình dài, như đạo diễn Đào Thanh Tùng nói thì không phải ai trong chúng ta cũng hiểu hết.

Tư liệu hình ảnh và lời bình mang tính đời thường, sống động, cho người xem hiểu biết về công việc đặc biệt của Bác: "Hà Nội, 9h sáng ngày 10 tháng 5 năm 1965, một ngày đẹp trời, tiếng chim ngập tràn khu vườn nơi Bác ở. Trong phòng làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu những dòng chữ đầu tiên của một tài liệu tuyệt đối bí mật...". Rồi là "Tháng 5 năm 1968, cũng vào dịp kỷ niệm ngày sinh…, các bác sĩ không cho phép Người được gõ máy chữ, Bác đành phải viết tay bổ sung thêm một số đoạn, gồm 6 trang…". Và cuối cùng, "Từ ngày 1 đến 15 tháng 5 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lại và viết lại bản thảo tuyệt đối bí mật"…

Phim cũng cho ta thấy những chi tiết vô cùng xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ nổi bật với đức tính giản dị, đã dành cả đời mình để phụng sự Tổ quốc và nhân dân: "Những gì dành cho riêng Người thật ít ỏi, chỉ gói gọn trong 79 chữ, đúng bằng số mùa xuân mà Người đã trải qua". Chúng ta cũng hiểu thêm do hoàn cảnh chiến tranh, tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tài liệu tuyệt đối bí mật này được công bố, có một số vấn đề quan trọng trong nội dung Di chúc chưa được tiết lộ như "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa" hay "Việc hỏa táng thi hài và tro sau hỏa táng cho vào ba hộp sành cho ba miền Bắc, Trung, Nam sau khi Người qua đời"…

Đặc biệt, phim hướng người xem tới một nhận thức sâu sắc rằng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn có vai trò to lớn đối với sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Soi chiếu từ những lời căn dặn của Người để thấy những gì chúng ta đã làm được, những gì còn đang phải tiếp tục nỗ lực thực hiện để có kết quả tốt hơn, từ vấn đề xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chăm lo cho thế hệ trẻ… Tuy nhiên, để tránh biến phim thành bản báo cáo thành tích khô cứng, đạo diễn và hãng phim đã cố gắng duy trì tính hài hòa giữa phần thực hiện Di chúc của Bác và phần thể hiện cảm xúc đối với Di chúc của Người. Thủ pháp đồng hiện được áp dụng, xen giữa những khoảnh khắc xúc động của mấy chục năm trước là những đổi thay của đất nước suốt mấy chục năm qua.

Đạo diễn Đào Thanh Tùng, một người Hà Nội, sinh ra, lớn lên và đến nay vẫn gắn bó với mảnh đất nghìn năm văn hiến đã viết những lời bình xúc động, có lẽ bằng chính ký ức của cậu bé 9 tuổi trong ngày Bác vĩnh biệt chúng ta, cái ngày "người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa".

"Nhớ lại một ngày mưa
Nhớ lại tiếng loa ven đường khoắc khoải nhắc đi nhắc lại bản thông cáo đặc biệt
Nhớ lại dòng người dài vô tận đưa tiễn Bác về nơi vĩnh hằng
Nhớ lại những khoảnh khắc cách đây 45 năm để suy ngẫm, để hướng thiện để làm hành trang cho mỗi người Việt Nam tạo dựng niềm tin trên con đường dài hướng tới tương lai".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xem để suy ngẫm và hướng thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.