(HNM) - Khi ảo thuật và xiếc được hòa trộn, tạo nên một tác phẩm hấp dẫn tuyệt vời và xuyên suốt như nhóm nghệ sĩ Nhật Bản
Biểu diễn kịch xiếc “Làng tôi”. |
Chương trình "Zen Magic" đã diễn ra liên tiếp nhiều buổi tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Đoàn diễn mang sang Việt Nam tới 5 tấn đạo cụ. Họ đến nhận sân khấu, luyện tập để làm quen với không gian biểu diễn từ trước giờ diễn nhiều ngày. Về kỹ năng, kỹ xảo, chương trình không có những màn mới, xuất sắc nhưng từng chi tiết, pha diễn đều được chăm chút cẩn trọng. Những tiết mục như xuyên kiếm trong hộp kính, đi xuyên tường và biến hình xuyên không gian, ảo thuật bay, cầu lửa, biến quỷ, đi qua tường kính, cuộc chiến với Tengu, Ninja với chiếc hộp kỳ bí... đã được xâu chuỗi trong cuộc chiến đầy cam go với quỷ Tengu. Các nghệ sĩ luôn biết tạo không khí hứng khởi bằng những pha biểu diễn liên hoàn, cuốn hút khán giả vào những cuộc đối đầu thiện - ác. Với một đêm diễn kéo dài trong khoảng một giờ, 5 nghệ sĩ hóa thân vào hàng chục vai diễn bằng cách đeo mặt nạ, thay đổi cách hóa trang liên tục.
Để ý kỹ, khán giả thấy nụ cười luôn thường trực trên môi nghệ sĩ ảo thuật. Hòa đồng, thân thiện, nhiệt tình… là những cảm nhận của những ai đã từng tiếp xúc với họ. Nghệ sĩ Ai cho biết: "Trong tiếng Nhật, Ai là tình yêu, Yuki là lòng can đảm", đó chính là bí quyết của chúng tôi. Tất cả những màn ảo thuật và nhào lộn tuyệt đẹp có được là bởi họ đặt vào đó tất cả tình yêu và lòng can đảm. Họ là những nghệ sĩ ảo thuật Nhật Bản đầu tiên biểu diễn đơn dài kỳ tại Las Vegas - Hoa Kỳ và được tán thưởng ở bất cứ điểm dừng chân nào.
"Kịch xiếc" hay "xiếc mới" là thuật ngữ được dành cho những chương trình biểu diễn xiếc mà ở đó, không đơn thuần chỉ có các tiết mục tuần tự được trình diễn sau những lời giới thiệu của MC. Trong những chương trình kịch xiếc này, các tiết mục đã được kết nối tương đối chặt chẽ, có tính logic cao…, được "sân khấu hóa" nhằm thể hiện chủ đề theo một kịch bản văn học nhất định. Xu hướng này đã xuất hiện trong lịch sử nghệ thuật xiếc thế giới vào cuối thế kỷ XIX, đã có những chương trình xiếc gắn kết theo những kết cấu khác lạ, đưa xiếc lại gần hơn cách thức biểu diễn kịch nghệ. Ở Việt Nam, những năm 70 của thế kỷ trước đã xuất hiện một số chương trình có chủ đề, trong đó, mỗi chương trình đều có một số tiết mục mà nội dung được khắc họa theo một ý đồ xuyên suốt. Sang đến những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã cho ra đời một loạt tác phẩm như: "Thạch Sanh", "Tấm Cám", "Thánh Gióng", "Đám cưới chuột", "Sơn Tinh - Thủy Tinh", "Cuộc giải cứu thần kỳ của chàng Ngốc", "Hoàng tử Chuột và Công chúa Mèo", "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn", "Cậu bé rừng xanh", "Alibaba và bốn mươi tên cướp", "Huyền thoại xứ Ai Cập"… Ngoại trừ "Làng tôi" là kịch xiếc đã có hợp đồng 3 năm lưu diễn ở Châu Âu (đây là vở có yếu tố đầu tư quan trọng từ nước ngoài), các chương trình được gọi lại "kịch xiếc" ở Việt Nam thực sự chưa thể thỏa mãn hoàn toàn người xem. Lý do mang tính cơ bản: Kỹ năng, kỹ xảo chưa tốt, khả năng biểu cảm không cao, điều kiện sân khấu chưa đáp ứng được yêu cầu và đặc biệt là sự hạn chế về mặt tư duy của nghệ sĩ.
Ngày càng có nhiều chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ tài danh thế giới được đưa đến Việt Nam và nhờ đó, sự so sánh, lựa chọn của khán giả cũng rõ ràng hơn. Với người làm nghề, những nghệ sĩ chỉ được nhận 35.000 đồng/buổi tập, 50.000 đồng/buổi diễn, đạo cụ toàn… tự chế, thiết bị bảo hộ cũ kỹ..., ước mơ gần gũi đối với họ giới hạn ở điều kiện làm nghề, trước khi nghĩ đến mục tiêu xa hơn là phấn đấu cho "bằng bạn bằng bè".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.