(HNMO) - Chiều 3-5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, đông đảo người dân quay lại Thủ đô để trở về với nhịp sinh hoạt thường nhật sau chuỗi ngày dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo phản ánh của nhiều người dân, tình trạng nhồi nhét, chặt chém diễn ra khá phổ biến trên các tuyến xe khách liên tỉnh, bất chấp quy định phải giãn cách để phòng, chống dịch…
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bến xe lớn của Thủ đô, lượng xe tới các bến không đông như những giai đoạn cao điểm trước đây nên không xảy ra ùn tắc trong bến.
Tuy nhiên, tại các khu vực điểm dừng, nhà chờ xe buýt, liên tục xảy ra tình trạng hành khách chen chúc nhau lên xe do loại phương tiện này vẫn đang phải thực hiện quy định giãn cách nhằm phòng, chống dịch Covid-19, mỗi xe chỉ chở 28 khách/lượt xe.
Vì vậy, mỗi lần xe buýt cập bến, người dân lại xô đẩy nhau để giành suất đi trước, bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch khiến các nhân viên xe buýt gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí hành khách.
Nhiều hành khách phản ánh, việc Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép xe khách liên tỉnh được hoạt động theo 100% biểu đồ đã được cơ quan chức năng phê duyệt khiến cho hành khách không thiếu xe. Tuy nhiên, xe từ lúc xuất phát trong bến với lúc di chuyển trên đường lại là câu chuyện khác.
Anh Đỗ Hùng, hành khách đi xe mang biển kiểm soát 35B-011.17 tuyến Ninh Bình - Hà Nội cho biết, lúc xuất bến, xe chỉ có gần 10 khách nhưng cứ đi được một đoạn, nhân viên phụ xe lại mở cửa đón thêm khách. Khi xe đến địa phận huyện Đồng Văn (Hà Nam) thì đã ken cứng ghế ngồi. Thậm chí, nhà xe còn để thêm ghế dọc lối đi để nhồi thêm khách. Theo thiết kế xe chỉ có 29 chỗ ngồi nhưng nhà xe nhồi tới gần 40 người.
“Ban đầu tôi nghĩ rằng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nên người dân sẽ đi lại ít và việc nhà xe sắp xếp khách ngồi xa nhau như vậy là rất khoa học và bảo đảm yêu cầu ngồi giãn cách tối thiểu 1 mét hoặc 1 ghế nhưng mọi sự lại không như vậy! Không chỉ vậy, giá vé tuyến Ninh Bình - Hà Nội thường ngày chỉ 70.000 đồng nhưng hôm nay nhà xe thu 100.000 đồng”, anh Hùng bức xúc phản ánh.
Nhồi nhét, tăng giá vé cũng xảy ra với nhiều tuyến khác. Một hành khách đi tuyến Nam Trực (Nam Định) - Hà Nội cho biết, thông thường giá vé tuyến này chỉ 70.000 - 80.000 đồng/người nhưng vào ngày này lên tới 150.000 đồng/người. Nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao nên nhiều nhà xe bất chấp quy định phải ngồi giãn cách trên xe và thực hiện nhồi nhét khách. Trong quá trình di chuyển trên đường, dù nhồi nhét như vậy nhưng nhà xe vẫn không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội) lý giải, lượng khách qua các bến xe dịp cao điểm năm nay thấp hơn mọi năm có nhiều lý do. Thứ nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thứ hai là sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân.
Nhiều gia đình có điều kiện mua xe riêng nên không sử dụng xe khách liên tỉnh nữa; thứ ba, xe hợp đồng, xe limousine chạy liên tỉnh theo mô hình “từ cửa đến cửa”, tức là khách chỉ cần gọi điện đặt chỗ xe sẽ đón tận nhà và trả khách tại nhà nên cũng thu hút đáng kể lượng hành khách của các bến xe.
Trên tuyến cao tốc từ Hải Phòng đi Hà Nội lúc 18h ngày 3-5, dù đúng vào khung giờ cao điểm xong theo ghi nhận, tuyến cao tốc này chỉ đông hơn ngày thường một chút. Dù đơn vị quản lý tuyến đã lên phương án mở thêm một làn thu phí xong tại trạm thu phí không xảy ra ùn tắc.
Nhiều chủ phương tiện lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng thông tin không ùn tắc tại khu vực trạm thu phí mà chỉ ùn tắc đoạn tuyến từ Pháp Vân dẫn về trung tâm Hà Nội. Dù các lực lượng chức năng đã tổ chức chốt trực, phân luồng hướng dẫn giao thông song việc đi lại của người dân vào trung tâm nội đô vẫn rất khó khăn.
Với ngành Đường sắt, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, lượng hành khách đi tàu tăng đôi chút so với ngày thường, đặc biệt tập trung ở các tuyến ngắn. Trên mỗi toa tàu đều được bố trí ngồi giãn cách để phòng, chống dịch. Các chuyến tàu trở về Hà Nội phân bố đều vào các cung giờ khác nhau nên tại Ga Hà Nội không xảy ra ùn tắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.