Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe điện hai bánh kết nối giao thông công cộng

Tuấn Lương| 12/06/2021 06:36

(HNM) - “Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nghiên cứu đề án thí điểm sử dụng xe điện hai bánh kết nối hệ thống xe buýt nhanh - BRT. Việc thí điểm này sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong việc di chuyển, từ đó hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng” - PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, chủ nhiệm đề án chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.

Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ thí điểm mô hình xe điện hai bánh kết nối với xe buýt nhanh BRT tại điểm nhà chờ Văn Khê (quận Hà Đông). Ảnh: Minh Tuấn

- Xin ông cho biết, ý tưởng sử dụng xe điện hai bánh kết nối với xe buýt tại Hà Nội hình thành như thế nào?

- Năm 2019, được sự hỗ trợ của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải đã ký cam kết tham gia Dự án “Tích hợp các giải pháp di chuyển bằng xe điện tại các đô thị trong bối cảnh Thỏa thuận Paris (về biến đổi khí hậu), các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự đô thị mới”. Trong khuôn khổ dự án, chúng tôi đề xuất xây dựng đề án nghiên cứu thí điểm hệ thống xe điện hai bánh chia sẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm mục đích kết nối các phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường. Đến thời điểm này, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội hoàn tất phương án thí điểm trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, phê duyệt.

- Ông có thể giới thiệu về đề án và người dân Hà Nội sẽ được lợi gì từ mô hình này?

- Trong giai đoạn thí điểm, đề án sẽ sử dụng xe máy điện và xe đạp điện trợ lực, bố trí ở 2 điểm đầu - cuối là nhà chờ buýt nhanh BRT Văn Khê (Hà Đông) và Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông (quãng đường giữa hai điểm khoảng 2km).

Từ điểm Văn Khê, hành khách có nhu cầu sử dụng xe điện hai bánh đi đến Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông có thể cài đặt ứng dụng trên điện thoại, khai báo thông tin cá nhân. Khi được chấp nhận, hành khách sẽ mượn xe điện 2 bánh di chuyển đến và trả xe tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông. Quy trình từ Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông đến nhà chờ Văn Khê cũng như vậy. Quá trình di chuyển từ hai điểm này sẽ được lưu trữ, theo dõi thông qua ứng dụng đã cài đặt trên điện thoại, hệ thống camera quan sát dọc đường và loa hướng dẫn, cảnh báo trên xe.

Ở giai đoạn thí điểm, người dân sử dụng không phải trả phí dịch vụ. Kinh phí thực hiện từ nguồn tài trợ của Ủy ban châu Âu và một số cơ quan liên quan.

- Quá trình chuẩn bị hiện đã đến đâu, thưa ông?

- Đến thời điểm này, chúng tôi đã làm việc với một số doanh nghiệp để mời tham gia tài trợ phương tiện; làm việc với Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông để bố trí địa điểm mượn - trả xe. Việc xây dựng ứng dụng quản lý trên điện thoại đang hoàn thiện. Cùng với đó, đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn tất thiết kế nhà chờ, phương án trạm sạc, hệ thống quan sát, cảnh báo...

Chúng tôi đang đề xuất thành phố có thể bắt đầu thí điểm ngay từ quý III-2021. Thời gian thí điểm trong 12 tháng, sau đó sẽ đánh giá, xem xét, nhân rộng tại nhiều khu vực khác trên địa bàn thành phố. 

- Có ý kiến lo ngại về tính khả thi của mô hình này bởi còn có không ít rào cản, như hành lang vận hành an toàn, việc bảo vệ phương tiện… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tính khả thi luôn là vấn đề được đặt ra với mỗi dự án. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng nhằm bảo đảm mô hình xe điện hai bánh có thể đi vào cuộc sống và phát huy được giá trị.

Trước tiên nói về những thuận lợi. Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, xe điện hai bánh được ưu tiên sử dụng để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Với Hà Nội, việc thí điểm giúp hành khách hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh và bảo vệ môi trường.

Phương án thí điểm hoàn toàn phù hợp với Đề án tăng cường giải pháp quản lý phương tiện giao thông đường bộ, kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố Hà Nội và Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 16-10-2020 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn từ năm 2021 đến 2030. Việc triển khai phương án thí điểm sẽ là cơ sở nhân rộng mô hình, góp phần tăng cường kết nối và tăng lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh thuận lợi, chúng tôi cũng đã lường trước những khó khăn để nghiên cứu giải pháp phù hợp, như: Giao thông hỗn hợp, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp hoặc xe điện hai bánh vận hành; người dân chưa hình thành thói quen sử dụng phương tiện chia sẻ… Song, nếu thấy khó mà không làm thì các đô thị, trong đó có Hà Nội sẽ không thể có được một mạng lưới vận tải hành khách công cộng đồng bộ và đạt được các mục tiêu giảm ùn tắc, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe điện hai bánh kết nối giao thông công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.