(HNM) - Đầu phố Đinh Tiên Hoàng bên phía hồ Hoàn Kiếm, ngày xưa có một thời khá dài, tới 90 năm là bến xe điện Bờ Hồ luôn đông đúc nhộn nhịp. Xe điện từ bốn hướng ngoại thành gồm Hà Đông, Cầu Giấy, Chợ Mơ và Chợ Bưởi hội tụ về đây, ngoài ra còn có một tuyến đi ngang khu phố cổ, đó là tuyến Yên Phụ - Hàng Cót - Cửa Nam - Bạch Mai.
Bến không to lắm, có hai làn đường. Một làn đi chung cho hai tuyến Bờ Hồ đi Hà Đông và Bờ Hồ đi Cầu Giấy, đều quay đầu tại đây. Hai tuyến Chợ Bưởi - Bờ Hồ và Bờ Hồ - Chợ Mơ ở làn kia, tránh nhau ở đây. Giữa hai làn là vỉa hè tương đối rộng. Khác ga xe hỏa, ga xe điện không có mái che và phòng chờ mua vé, hành khách đi tuyến nào thì lên tàu mua vé luôn.
Bến xe điện bờ Hồ những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Xe điện chủ yếu cho dân nghèo, dân lao động, buôn rau quả từ ven đô, ngoại thành vào các chợ trong phố, lối đi và gầm ghế đủ thứ quang sọt, thúng mủng đựng hàng. Chiều tàu về quang sọt trống không lại lồng vào nhau, vắt vẻo sau toa. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khách đi nửa chặng thì hết 5 xu, cả chặng mất 1 hào. Chưa có ô tô buýt, đi lại chủ yếu là xe điện, xích lô, xe đạp, nên xe điện được dùng nhiều. Hai tuyến Bờ Hồ - Hà Đông và Chợ Bưởi - Bờ Hồ - Chợ Mơ tàu lắp 3 toa, các tuyến khác chỉ có 2, thường đông lắm. Toa đầu có 4 cửa lên xuống ở 2 bên, chính giữa nóc toa lắp cần điện, đầu cần lắp một bánh xe có rãnh lăn trên đường dây điện. Hai đầu toa có tủ điều khiển. Điện chạy xe một chiều nên không gây nguy hiểm lắm, người bán vé cầm dây thừng xoay cần mỗi khi đổi chiều đi tại bến cuối. Toa giữa và toa cuối dài hơn, có 4 cửa lên xuống 2 bên.
Người lái tàu ngồi ở đầu tàu, tay trái nắm thanh đồng gạt theo chiều kim đồng hồ từ số 0 - 5 là tăng tốc độ, còn tay phải luôn để trên vô lăng phanh, chân phải để lên núm chuông, mỗi lần dậm chân là một tiếng keng ngân nga. Qua ngã tư cần giảm tốc độ, bác tài vừa xoay cần, quay phanh, lại vừa dậm chuông đến hai, ba lần, tiếng keng keng, keng keng vang vọng trong không gian, ăn sâu vào tiềm thức của người Hà Nội.
Hệ thống xe điện Hà Nội do người Pháp xây dựng từ năm 1899 đến năm 1943 mới hoàn chỉnh, tổng chiều dài là 32km với 5 tuyến đường. Từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm, gần như lúc nào cũng có tiếng rít của bánh sắt, tiếng dập chuông keng keng, keng keng xe điện ở Bờ Hồ. Lịch sử 90 năm hoạt động của đơn vị quản lý trải qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi: Nhà máy Xe điện thuộc Công ty Điền địa Bắc kỳ thời Pháp, sau đó là Sở Xe điện; Xí nghiệp Xe điện (1955); Quốc doanh Xe điện Hà Nội (1959); Công ty Xe điện (1969), đến 1996 lại trở về tên Xí nghiệp Xe điện Hà Nội. Đến năm 1989, 1990 Hà Nội vẫn còn 5 tuyến xe điện và ga xe điện Bờ Hồ. Tòa nhà "Hàm cá mập'' bây giờ là văn phòng điều hành, giao ca của lái tàu và người bán vé xe điện. Nơi này có một trạm biến thế điện khá lớn, cấp điện một chiều cho toàn tuyến.
Vào những năm 1984, 1985, Xí nghiệp Xe điện chạy thử xe điện bánh lốp, gần giống ô tô khách nhưng trên nóc lắp 2 cần điện song song nối vào 2 đường dây điện một chiều. Dư luận khen nhiều mà chê cũng lắm, song do thiếu vốn đầu tư nâng cấp và nhân rộng nên việc thử nghiệm không thành công. Xe điện bánh sắt mặc dù khá cũ kỹ, xập xệ và hư hỏng nhiều nhưng vẫn được duy trì.
Người 40, 50 tuổi trở lên sống ở Hà Nội và những người đã từng đến Thủ đô vào những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi khi nhớ tới hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đầu phố Hàng Đào, Hàng Gai… thường nhắc đến tiếng chuông leng keng xe điện, cảnh nhộn nhịp lên xuống tàu tại Bờ Hồ. Bến xe điện đông vui lắm, tiếng nhị cò cưa trong tiếng hát xẩm, mà người ta vẫn thường nói là xẩm Bờ Hồ, tiếng đàn ghi ta thánh thót quyện vào giọng cải lương ngọt ngào hòa trong tiếng cắc, cắc giữ nhịp mõ chân (song loan) của người hát dạo. Từ ga xe điện đến cổng đền Ngọc Sơn thi thoảng người ta còn thấy những gánh xiếc khỉ biểu diễn và bán thuốc cao. Sau năm 1975, người đi làm và học sinh đi học bằng xe điện nhiều hơn, các chuyến tàu thường xuyên chật ních người và thúng mủng gồng gánh. Bến xe điện Bờ Hồ xuất hiện thêm những bà bán nước chè chén, thuốc lá điếu, kẹo dồi, kem que, sấu, táo, khế dầm và các ông nặn tò he Quan Vân Trường, Tôn Ngộ Không, con gà, con hổ xanh đỏ. Xung quanh bến tàu nhan nhản những người buôn bán tem phiếu, những chàng thanh niên bán lơ hồng tẩy trắng và cả người ăn xin nữa. Tất nhiên, nổi bật nhất phải là những đoàn tàu điện màu đỏ cũ kỹ đang vào bến, cũng như âm thanh keng keng keng mời gọi khách lên tàu. Rồi đoàn tàu băng qua cột đồng hồ trước cửa hiệu kem Long Vân, Hồng Vân để rẽ vào phố Hàng Gai hay vòng sang Hàng Đào… Những hình ảnh và âm thanh đó dường như không bao giờ phai để tiếng rì rầm, leng keng ngân mãi trong ký ức một lớp người Hà Nội.
Đến năm 1989, 1990 thành phố quyết định dừng hoạt động của xe điện. Toàn bộ đường ray bóc lên, cả Xí nghiệp Xe điện mấy trăm con người lâm vào cảnh thất nghiệp. Để giải quyết khó khăn, góp phần nâng cao đời sống cho đội ngũ lái tàu, bán vé và công nhân sửa chữa, xí nghiệp đã xây lò luyện thép, cán đường ray xe điện thành thép xây dựng đem bán. Một thời gian đường ray xe điện cũng hết, các lò thép này biến thành lò sản xuất mỳ sợi, rồi đồ gốm mỹ nghệ, rồi lại chuyển sang sản xuất xe điện mi ni cho các cháu nhi đồng vui chơi tại Công viên Thống Nhất, sau đó liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất và lắp đặt loại xe điện mi ni này ở một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An. Cứ lần hồi trăm nghề xoay xở, xí nghiệp vượt qua được thời kỳ khủng hoảng việc làm cho đến lúc Hà Nội phát triển xe buýt. Đơn vị xe buýt mới vẫn giữ tên gọi Xí nghiệp Xe điện Hà Nội, để cho các thế hệ cán bộ, công nhân viên biết tới cái tiền thân một thuở. Và cũng nhờ thế, các thế hệ già trẻ Hà Nội hôm nay giữ được một ký ức từng "vang bóng một thời'' trên đường phố Thủ đô.
Bây giờ bến tàu điện Bờ Hồ trở thành bến trung chuyển của nhiều tuyến xe buýt. Bến được cải tạo, nâng cấp nhiều, khang trang, sạch đẹp hơn. Văn phòng ga một tầng ngày xưa được xây lên bốn tầng và trở thành siêu thị. So với mạng lưới xe điện ngày xưa chỉ cố định trên 5 tuyến, Xí nghiệp Xe điện Hà Nội hiện nay có trên 270 xe buýt đang hoạt động trên 14 tuyến đánh số 07, 22, 32, 34… Xe buýt bây giờ đã len lỏi tới nhiều tuyến phố nội thành, ngoại thành và liên tỉnh, đang chiếm ưu thế trong vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô.
Dù không còn bóng dáng, nhưng dẫu sao hình ảnh những đoàn tàu điện và ga xe điện Bờ Hồ ngày xưa như vẫn lung linh trong hồn phố Hà Nội. Biết đâu một ngày đẹp trời nào đó trong thế kỷ XXI này, khi Thủ đô có đường sắt nội đô, công nhân Xí nghiệp Xe điện Hà Nội "may mắn" lại được quản lý và vận hành những đoàn tàu điện bánh sắt hiện đại, trở về đúng như cái tên của nó từ thuở ban đầu cách đây hơn 110 năm.
Về cuộc thi viết "Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"
Cuộc thi còn chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.
Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.
BTC
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.