(HNM) - Bộ GT-VT cho biết, sẽ nghiên cứu trình Chính phủ tạm dừng thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, để hoàn thiện hành lang pháp lý, tiến tới cho phép hoạt động bình thường...
Đến thời điểm hiện tại, đã có 10 địa phương, gồm: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hẹp. Hiện, ba địa phương là TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Quảng Nam tiếp tục đề xuất cho phép thực hiện. Thống kê cả nước có gần 40 doanh nghiệp (DN), với khoảng 1.300 xe đang hoạt động. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) nhận định, xe điện cơ bản văn minh, thuận tiện trong phục vụ du lịch, thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, tiếng ồn nhỏ, tốc độ di chuyển thấp nên bảo đảm an toàn khi lưu thông, chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến loại xe này.
Là một trong những địa phương thí điểm (từ năm 2010), ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết: Địa bàn Hà Nội có 5 đơn vị kinh doanh xe điện 4 bánh, trong đó Công ty cổ phần Đồng Xuân có 30 xe được phép hoạt động trong khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm; Công ty cổ phần TLC Hồ Tây có 20 xe hoạt động xung quanh Hồ Tây. Các DN còn lại có khoảng 50 xe, được phép hoạt động trong khu vực Cụm cảng hàng không quốc tế Nội Bài. "Việc đưa xe 4 bánh điện vào sử dụng đã góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, từng bước xây dựng thói quen đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tại các khu vực di tích, danh thắng, không còn tình trạng xích lô, taxi dừng đỗ bừa bãi, gây ách tắc, cản trở giao thông" - ông Nguyễn Hoàng Linh nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, vẫn còn lượng lớn xe điện chưa có chứng nhận đăng kiểm, đăng ký; chưa có sự quản lý thống nhất về điều kiện kinh doanh vận tải do chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Đáng lo ngại hơn là số lượng xe hoạt động tự phát khá nhiều, cũng như việc một số địa phương tự ý tăng số lượng phương tiện thí điểm mà đa số không có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm. Trong khi đó, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm, mới chỉ có gần 180/1.300 phương tiện có chứng nhận đăng kiểm. Nguyên nhân chủ yếu do DN mua, nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không làm được thủ tục kiểm định.
Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ, tới đây, Bộ GT-VT sẽ kiến nghị Chính phủ dừng thí điểm, chuyển sang hoạt động bình thường loại hình phương tiện này. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng sẽ phải rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành bổ sung quy định còn thiếu. Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn về đăng kiểm, đăng ký phương tiện để bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, đào tạo, tiêu chuẩn bằng lái… "Công tác quản lý nhà nước phải phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo, buông lỏng" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.