(HNMO) - Ngày 1/10, UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi báo cáo Thủ tướng về dự án 8B Lê Trực, TP sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý kiên quyết, triệt để các sai phạm của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các phần công trình vi phạm về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc... đảm bảo đúng theo giấy phép xây dựng được cấp.
Chiều 1/10, Văn phòng UBND TP Hà Nội cũng chính thức gửi cho báo chí văn bản số 169/BC-UBND về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án tại phố 8B Lê Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2015.
Tại công văn, UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7653/VPCP-KTN ngày 24/9/2015 về việc kiểm tra chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại 8B phố Lê Trực, UBND TP Hà Nội đã nghiêm túc, khẩn trương tổ chức tổng hợp, rà soát quá trình giải quyết, các hồ sơ thủ tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng và quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, thành lập Tổ công tác liên ngành, thành phần gồm: Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND quận Ba Đình, đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng, tiến hành kiểm tra thực tế tại công trình; phối hợp với lãnh đạo Bộ Xây dựng và đại diện Văn phòng Chính phủ tổ chức họp xem xét khách quan kết quả rà soát, kiểm tra và thống nhất nội dung báo cáo Thủ tướng về các vấn đề: Nguồn gốc đất đai và chủ trương đầu tư dự án; quản lý về quy hoạch kiến trúc.
Tòa nhà 8B Lê Trực xây cao vượt 1 tầng, vượt thêm 16m tương đương 5 tầng; "bóp méo" hình thái kiến trúc so với giấy phép xây dựng được cấp. |
Khu đất không nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình
Khu đất xây dựng công trình tại địa chỉ 8B Lê Trực (phía Bắc giáp đường Trần Phú kéo dài, phía Tây và Nam giáp khu dân cư – không nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013). Diện tích khu đất là 5.936,4m2, có nguồn gốc là đất sản xuất cho Công ty May Chiến Thắng quản lý, sử dụng từ năm 1968. Hợp đồng thuê đất số 216-245.98/ĐC-HĐTĐ ngày 14/8/1998.
Từ đó đến nay, Công ty cổ phần May Lê Trực là đơn vị đang quản lý, sử dụng đất tại số 8B Lê Trực, phường Điện Biên theo quy định của pháp luật (trong đó diện tích được chuyển đổi là gần 3.800m2), diện tích còn lại TP thu hồi để xây dựng đường giao thông.
Về chủ trương đầu tư, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện trạng ô đất, UBND TP đã có văn bản số 4335/UBND–NNĐC ngày 9/8/207 chấp thuận về nguyên tắc cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chuyển mục đích sử dụng phần đất nằm ngoài phạm vi mở đường để lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở bán và cho thuê. Việc di dời để đầu tư xây dựng theo quy hoạch đáp ứng chủ trương, chính sách của nhà nước, hỗ trợ nguồn vốn di dời cơ sở ra khỏi nội thành.
Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg), khu vực này được xác định là đất dân dụng hiện trạng. Theo Quy hoạch chi tiết trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương tỷ lệ 1/500 (được Hà Nội phê duyệt năm 1998) và Quy hoạch chi tiết quận Ba Đình tỷ lệ 1/2000, khu đất này được xác định chức năng đất ở, có một phần nằm trong đất mở đường theo quy hoạch.
UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty cổ phần May Lê Trực lập dự án chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng công trình Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê từ năm 2007. Đến ngày 14/11/2013, UBND Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) số 01121001662 cho Nhà đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực thực hiện dự án.
UBND TP Hà Nội khẳng định, quá trình giải quyết thủ tục cấp GCNĐT đã được thực hiện theo đúng quy trình. Theo GCNĐT đã cấp, dự án có tiến độ thực hiện từ 2014-2017. Hiện nay dự án đang triển khai đầu tư xây dựng nằm trong tiến độ ghi tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Cấp phép đúng quy hoạch
Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 và theo Quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy – Kim Mã – Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến Hùng Vương), tỷ lệ 1/500 được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 2642/QĐ-UBND ngày 4/7/1998, khu đất dự án thuộc ô quy hoạch ký hiệu L30 có chức năng nhà ở chung cư.
Đến năm 2008, khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch trục đường này, ô đất L30 (8B Lê Trực) có chức năng là trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê; mật độ xây dựng 64%; cao 4-17 tầng.
Năm 2009, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã chấp thuận Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án với chỉ tiêu mật độ xây dựng 64% gồm: Khu nhà thấp tầng (4 tầng không tính tầng bán hầm và áp mái) và khối công trình hỗn hợp TTTM, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê (cao 17 tầng, giật cấp từ phía Lê Trực đến phía Kim Mã).
Báo cáo Thủ tướng về giai đoạn dự án dừng triển khai trong thời gian nghiên cứu làm quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, UBND TP Hà Nội cho biết đã thực hiện chỉ đạo “yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu trung tâm” nhận được năm 2010. Rà soát các dự án nhà cao tầng ở khu vực trung tâm thành phố, Hà Nội xác định, dự án cao ốc tại số 8B Lê Trực thuộc nhóm công trình cao tầng loại II - Đề xuất cho phép tiếp tục triển khai nhưng phải điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng đang được nghiên cứu.
Liên quan đến đề xuất xây dựng trường học tại vị trí đất này của người dân khu vực trong thời gian này, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát quy hoạch, Tiêu chuẩn, Quy chuẩn xây dựng trường. Do hình dáng khu đất có chiều rộng hẹp bởi đường quy hoạch cắt ngang, không đủ điều kiện bố trí trường học theo tiêu chuẩn, nên UBND TP đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận Ba Đình bố trí vị trí đất xây dựng trường học mới tại 67 Cửa Bắc để phục vụ học sinh 2 phường Điện Biên và Quán Thánh. Hiện nay trường học đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng.
UBND TP cũng cho biết, ngày 20/4/2013, Công ty cổ phần May Lê Trực đã có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch TP xin được tiếp tục xây dựng dự án vì “nếu phải phê duyệt lại sẽ dẫn đến dự án tiếp tục chậm thêm 2-3 năm nữa sẽ đẩy các cổ đông, gần 400 cán bộ công nhân viên tại Công ty cổ phần may Lê Trực đến thua lỗ và lâm vào cảnh khốn cùng”.
Để giải quyết kiến nghị trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc kiểm tra, rà soát lại quy hoạch, giữ nguyên phương án quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình; giảm chiều cao công trình theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình (chiều cao tối đa bằng công trình Nhà làm việc Quốc hội).
Tháng 7/2013, UBND TP Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng cho phép dự án được tiếp tục triển khai với chỉ tiêu: mật độ xây dựng 64%, chiều cao công trình tối đa 44m (thấp hơn Nhà làm việc Quốc hội tại đường Hùng Vương, giảm chiều cao 26m so với phương án kiến trúc đã được chấp thuận ngày 16/3/2009).
Bên cạnh đó, trong văn bản ngày 21/8/2013 gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến thống nhất với đề nghị của Hà Nội cho phép tiếp tục dự án tại số 8B Lê Trực theo phương án 2 (chủ đầu tư đề xuất) là thiết kế toà nhà dạng giật cấp, cấp công trình thứ nhất phía Lê Trực có tầng cao 15 tầng với chiều cao là 44m, cấp công trình thứ 2 có khoảng lùi 15-17m về hướng Tây cao 50m, trên mái có tum thang kết hợp tầng kỹ thuật đến đỉnh tum thang cao 53m, mật độ xây dựng giữ nguyên 64%.
Tiếp đó, ngày 20/9/2013, Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội làm các thủ tục cấp Giấy phép xây dựng đối với dự án ĐTXD Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật; bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp; không để phát sinh khiếu kiện phức tạp.
Chủ đầu có nhiều sai phạm trong xây dựng
Báo cáo Thủ tướng về dự án 8B Lê Trực, UBND TP Hà Nội xác nhận trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có nhiều vi phạm về trật tự xây dựng: Xây phần ngầm khi chưa được cấp phép; sau khi có Giấy phép xây dựng tiếp tục xảy ra các sai phạm về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc…
Theo đó, đến nay, đã xây tăng thêm 1 tầng; tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m tương đương với 5 tầng); Từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái). Phần giật cấp đầu hồi phía Đông (phía phố Lê Trực) theo thiết kế từ độ cao 44m, công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, song chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng khoảng 6.126m2.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong quá trình xây dựng, mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý nhưng chủ đầu tư vẫn cố ý vi phạm nghiêm trọng, không chỉ trong trật tự xây dựng mà còn ảnh hưởng lớn đến không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực.
Trong quá trình xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên đã xử lý 27 lần vi phạm của chủ đầu tư. Tuy nhiên, UBND TP nêu rõ, việc kiểm tra không kịp thời, thường xuyên, xử lý sai phạm không kiên quyết nên dẫn đến các sai phạm như hiện nay.
Về xử lý sai phạm, UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng, đối với chủ đầu tư cố ý xây dựng sai Giấy phép xây dựng, UBND TP sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhất là về chiều cao, khoảng lùi, khoảng giật, hình thái kiến trúc…
Trong Thông cáo báo chí gửi các cơ quan báo chí ngày 1/10/2015, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cũng cho biết: sau khi báo cáo Thủ tướng, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý kiên quyết, triệt để các sai phạm của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các phần công trình vi phạm về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc... đảm bảo đúng theo giấy phép xây dựng được cấp.
UBND TP Hà Nội giao Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra dự án để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, xử lý nghiêm, khách quan, đúng pháp luật và thông tin rộng rãi với công luận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.