Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây phim trường cổ trang lớn nhất Việt Nam

Theo Tùng Huy| 14/08/2014 14:50

Tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch Trường quay phim cổ trang tại Yên Tử (Uông Bí) do công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa làm chủ đầu tư.

Một góc mô hình Phim trường cổ trang Uông Bí - Quảng Ninh


Phim trường này được xây dựng để làm bối cảnh chính cho bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông của đạo diễn - NSƯT Văn Lượng. Đây là bộ phim lịch sử mà NSƯT Văn Lượng và ekip đã ấp ủ chuẩn bị suốt 4 năm qua. Riêng kịch bản phim đã có tới 11 nhà văn, biên kịch nhận lời viết đề cương rồi cùng thảo luận để lên một kịch bản chung nhất. Cuối cùng, nhà văn Lê Phương và biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Lê Anh Thúy đã sáng tác được 45 tập kịch bản phim trong vòng 2 năm. Đây được đánh giá là một bộ phim lịch sử đồ sộ, hoành tráng được đầu tư công phu và tỉ mỉ.

Sự đầu tư được thể hiện ở việc xây dựng hẳn phim trường cổ trang ở Uông Bí với một diện tích rộng lớn, đây sẽ là mô hình hoàng cung vương triều Lý - Trần với nhiều phòng ốc với kiến trúc cổ kính. Bên cạnh đó, nhà sản xuất còn tuyển diễn viên thông qua việc mở lớp đào tạo ngắn hạn về diễn xuất trong phim cổ trang, từ việc đi đứng, nói cười, đến cưỡi ngựa, bắn cung, cách xưng hô, các mối quan hệ trong một vương triều… Lớp học sẽ được các nghệ sỹ uy tín trong lĩnh vực phim cổ trang đảm nhiệm việc giảng dạy. Hiện tại, lớp học đã được mở tại Hải Phòng, tp Hồ Chí Minh và dự kiến sắp tới sẽ mở tại Hà Nội và Quảng Ninh. Đã có 600 hồ sơ xin tham gia lớp đào này, dự kiến các học viên sẽ được tập huấn trong 1 tháng, bắt đầu từ 15/8 đến hết 15/9/2014.



Mô hình trang phục nông dân trong phim



Các học viên sau khi đào tạo sẽ trực tiếp casting các vai diễn trong phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhà sản xuất đang kỳ vọng sẽ có tới 80% các diễn viên tham gia phim là gương mặt mới để tạo cảm xúc mới mẻ cho khán giả. 20% còn lại sẽ là những ngôi sao có bề dày kinh nghiệm trong việc diễn xuất phim cổ trang.

Bên cạnh việc cẩn trọng và tỉ mỉ trong việc casting diễn viên, khâu mỹ thuật cũng được đầu tư công phu, cầu kỳ. Hàng loạt các họa sỹ, đạo diễn đã được mời để vẽ ý tưởng trang phục và đạo cụ phim, sau đó các nghệ nhân hàng đầu Việt Nam đã miệt mài chế tác, từ chiếc chén, bát, bình gốm đến những chiếc giáo, mác, khiên… đều được làm mới. Trang phục là một phần quan trọng tạo nên hình ảnh đẹp của bộ phim, vì thế nhà sản xuất cũng rất đầu tư cho hạng mục này. Các nhà thiết kế được mời đến để trao đổi, nghiên cứu và thiết kế các bộ trang phục cho Vua, Hoàng hậu, tướng lĩnh, quân lính…Tất cả đều được sản xuất, hoàn thiện theo một dây chuyền khép kín đầy nghiêm túc, cẩn trọng.

Đoàn làm phim giới thiệu một số mẫu trang phục trong phim


Chia sẻ với Nhà sản xuất và đoàn làm phim, NSND Như Quỳnh cho biết: “Tôi thấy thành phần đoàn cùng ban cố vấn đã xây dựng một nền tảng cho bộ phim này vô cùng chắc chắn. Bởi lẽ, tất cả các khâu phục vụ cho bộ phim đã làm gần như rất đầy đủ. Từ khai phá những bối cảnh đến những xưởng gốm phục vụ bối cảnh phim. Phục trang phim tiến hành đồng bộ. Kèm theo là 1 phái võ lâm phục vụ cho những cảnh đánh nhau của phim. Với phong cách làm việc như vậy tôi tin chắc đây là khởi đầu cho một dòng phim cổ trang cũng như lịch sử vô cùng chắc chắn. Những người nghệ sĩ như chúng tôi rất hạnh phúc, vinh dự được tham gia series phim như thế này”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Trưởng ban cố vấn phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông cho rằng, ông khâm phục tinh thần làm việc của đoàn phim, đặc biệt là nỗ lực vượt qua những rào cản của dòng phim cổ trang, để có cái nhìn dài hơn và đầu tư lâu dài không chỉ cho một bộ phim mà còn cho cả dòng phim luôn được khán giả yêu thích này.

Bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông chính thức bấm máy vào cuối năm 2014 và dự kiến sẽ hoàn thành và ra mắt công chúng trong năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây phim trường cổ trang lớn nhất Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.