Tại hội nghị chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa được tổ chức, câu chuyện triển khai đề án xây dựng 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Điện Biên với số vốn huy động 250 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng được dư luận đánh giá cao.
Thành công của đề án không chỉ từ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền mà còn nhận được sự ủng hộ, góp sức của người dân, doanh nghiệp.
Với phương châm mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển của đất nước, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội. Trong đó, việc triển khai kế hoạch xóa nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh là một chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội lớn nhằm cụ thể hóa các nội dung phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Qua đó góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên cả nước.
Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn quốc hiện còn khoảng 400.000 căn nhà của người có hoàn cảnh khó khăn cần nhận được sự chung tay của cộng đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong khi đó, việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở một số địa phương còn thấp. Vì thế, ước mơ “an cư lạc nghiệp” của nhiều hộ nghèo chưa trở thành hiện thực.
Trước yêu cầu cấp bách trên, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Minh Chính đã đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan phát động cuộc vận động “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025 để chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước. Hoạt động ý nghĩa này nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, nhân ái của dân tộc, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành chương trình xóa nhà dột nát cho 100% hộ nghèo trên toàn quốc.
Triển khai cuộc vận động “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho các hộ nghèo là việc cần thiết và cần huy động sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt chương trình. Để thực hiện tốt cuộc vận động này, trước hết cần phát huy vai trò của Mặt trận từ trung ương đến cơ sở. Hiện các đoàn thể đều có chương trình vận động nguồn lực làm nhà cho người nghèo. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc huy động và xác định rõ đối tượng, cùng với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương rà soát tổng thể, triển khai bài bản, thực chất, sử dụng nguồn lực minh bạch, hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép, phối hợp để sử dụng nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cần thiết. Đồng thời, sớm nghiên cứu, xem xét sửa đổi Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” phù hợp với tình hình hiện nay nhằm quản lý nguồn lực chặt chẽ, minh bạch, công khai, đúng quy trình. Các địa phương cần triển khai cuộc vận động bằng những kế hoạch cụ thể, hướng dẫn thống nhất cách làm thiết thực để phát huy nguồn lực của xã hội, khơi dậy sự vươn lên của người nghèo.
Có như vậy, chủ trương “làm cho mỗi ngôi nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công được xây dựng lên không chỉ bằng gạch đá, xi măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái, tình cảm và tấm lòng của toàn xã hội” mới mang ý nghĩa thiết thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.