(HNMO) - Ngày 13-1, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn năm 2022, đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
.
Năm 2022, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo, tạo nhiều cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư và khuyến khích phát triển. Cùng với đó là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở NN& PTNT Hà Nội, công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực. Về công tác phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025, Hà Nội duy trì 145 chuỗi, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ trồng trọt. Một số chuỗi điển hình như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Khu Cháy; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi Diễn Nam Phương Tiến...
Năm 2022, Hà Nội có 58 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới và 21 hợp tác xã nông nghiệp giải thể. Đến hết năm 2022, thành phố có 1.378 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 211 hợp tác xã loại tốt (đạt 22%); 362 hợp tác xã loại khá (đạt 37,8%)… Ngoài ra, Hà Nội còn có 1.695 trang trại chăn nuôi, thủy sản, tổng hợp...
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã tham mưu thành phố thực hiện Chương trình đạt nhiều kết quả. Đến nay, thành phố Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố có 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2022, thành phố đề ra mục tiêu có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đề nghị của các huyện, thị xã, đến nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố đã tổ chức Đoàn Thẩm định Thành phố tiến hành thẩm định được 40 xã đủ điều kiện trình Hội đồng Thẩm định Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022; 12 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Đoàn thẩm định thành phố tiếp tục thẩm định tại các địa phương khác trong quý I-2023, dự kiến vượt chỉ tiêu thành phố giao.
Bên cạnh 1.649 sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thành phố Hà Nội công nhận, năm 2022, Hội đồng OCOP thành phố đã đánh giá, phân hạng lần 1 được 518 sản phẩm thuộc 26 quận, huyện, thị xã, trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do chuẩn bị hết thời hạn 36 tháng theo quy định. Với kết quả đạt được, Chương trình OCOP vinh dự là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô được thành phố bình chọn năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.