Chuyển đổi số

Xây dựng xã hội số: Bước kịp xu thế tất yếu

Tiến Thành 23/01/2024 - 06:41

Thanh toán các thủ tục hành chính, dịch vụ công không dùng tiền mặt là một dịch vụ tài chính số đang được Hà Nội đẩy mạnh triển khai.

Đây được coi là khâu quan trọng trong cải cách hành chính, là xu thế tất yếu nhằm xây dựng hệ thống quản trị tài chính công hiện đại, minh bạch; xây dựng công dân số, xã hội số trên địa bàn Thủ đô.

nguoi-dan-quet-ma-qr-thanh-.jpg
Người dân quét mã QR thanh toán phí giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Nguyễn Quang

Triển khai sâu rộng trong nhiều lĩnh vực

Năm 2023, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45% đã cho thấy quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô có bước tiến nhanh. Bên cạnh giao dịch thương mại, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh.

Đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến, cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến. Anh Nguyễn Hữu Tùng (quận Hai Bà Trưng) đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Hai Bà Trưng làm thủ tục nộp lệ phí trước bạ nhà đất.

“Tôi không mang tiền mặt nhưng nhờ sử dụng điện thoại thông minh có tài khoản ngân hàng, khi xong việc, tôi chỉ quét mã QR, nhập số tiền trên biên lai và thanh toán là hoàn tất thủ tục”, anh Tùng nói.

Để thuận tiện cho tổ chức, công dân trong việc thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính bằng phương thức không dùng tiền mặt, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Ba Đình Nguyễn Anh Dũng cho biết, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Ba Đình đã chủ động ký hợp đồng với ngân hàng cung cấp kênh thanh toán quét mã QR hoặc chuyển tiền trực tiếp qua số tài khoản của ngân hàng.

Không chỉ trong lĩnh vực thanh toán phí, lệ phí hành chính, việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố cũng được ứng dụng trong các lĩnh vực: An sinh xã hội, y tế, giáo dục, công thương...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Hiện đã có 60/71 đơn vị triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt (đạt tỷ lệ 84,5%).

Tương tự, đối với lĩnh vực giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng quản lý nguồn thu, kết nối, tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo để kết nối với các ngân hàng, ví điện tử. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trực thuộc đã triển khai thực hiện.

huong-dan-nguoi-dan-thanh-t.jpg
Hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Tạo lập hạ tầng, môi trường thuận lợi

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 thành phố Hà Nội nhận định, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với thủ tục hành chính, dịch vụ công tuy đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng mới chỉ tập trung cho người dân, doanh nghiệp ở khu vực thành thị. Thực tế, người dân tại các địa bàn nông thôn, công nhân... còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận và sử dụng hình thức này.

Nhận thức thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế tất yếu, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, để tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, huyện khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ hành chính công.

Để hỗ trợ các địa phương, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử luôn được thành phố chú trọng đầu tư, mở rộng. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hằng năm. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đang đẩy mạnh triển khai các nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử (thanh toán hóa đơn, chi trả lương hưu, tích hợp mã định danh với mã số thuế để nâng cao hiệu quả thu thuế…).

Khẳng định vai trò quan trọng của nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn thành phố được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại, từ đó dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xây dựng xã hội số... Thành phố sẽ từng bước hỗ trợ đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch của người dân, tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn:
Đồng bộ thu học phí không dùng tiền mặt

t3-ykien-nguyen-quang-tua.jpg

Về thu học phí không dùng tiền mặt, đến nay 100% trường mầm non, trường phổ thông đã thực hiện thu phí không dùng tiền mặt từ cấp độ 2 trở lên thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ. Có 80/124 cơ sở giáo dục trực thuộc đã triển khai thu học phí không dùng tiền mặt cấp độ 3 thông qua phần mềm eNetViet (phần mềm kết nối với các ngân hàng thương mại, đơn vị trung gian thanh toán và các nhà trường). Có 108 nghìn giao dịch thành công trong giai đoạn đầu tính từ cuối tháng 9-2023 đến nay.

Thu học phí không dùng tiền mặt giúp bảo đảm tính công bằng, giảm chi phí với phụ huynh và học sinh, tránh lạm thu... Ngoài ra, còn giúp cải thiện sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công của ngành Giáo dục và Đào tạo. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố triển khai các giải pháp để thực hiện đồng bộ, hiệu quả đối với tất cả các loại hình trường công lập, tư thục.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng:
Áp dụng nhiều giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt

t3-ykien-co-nhu-dung.jpg

Ba Đình là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, trên địa bàn quận Ba Đình đã có các tuyến phố sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt với tỷ lệ 100%. Tỷ lệ gắn mã không dùng tiền mặt đối với các cơ sở kinh doanh đạt gần 100%. Đặc biệt, trong lĩnh vực hành chính, bộ phận “một cửa” quận và 14 phường đã thực hiện gắn mã thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này đã hỗ trợ và tạo chuyển biến tích cực trong nhân dân về thói quen không dùng tiền mặt hằng ngày.

Thời gian tới, quận đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn quận áp dụng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt từ các nhà cung cấp dịch vụ uy tín bằng cách mở rộng và chấp nhận các hình thức thanh toán như: Thanh toán qua máy POS, thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động (tap to phone), thanh toán điện tử…

Chủ tịch UBND xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) Đỗ Xuân Đáng:
Chủ động tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân

t3-ykien-do-xuan-dang.jpg

Ngay từ đầu năm 2023, UBND xã Minh Khai đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền, khuyến khích đến người dân về mở tài khoản ngân hàng nhằm tổ chức chi trả hỗ trợ hằng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công. Đến hết năm 2023, xã đã chi trả qua tài khoản cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời 75% người có công đang hưởng trợ cấp đã thực hiện mở tài khoản ngân hàng.

Thực hiện đợt cao điểm tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, với sự hưởng ứng, đồng thuận cao của nhân dân, đến nay 100% đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn xã đã mở tài khoản ngân hàng. Trong quá trình thực hiện, nhiều trường hợp còn băn khoăn, thắc mắc đã được cán bộ UBND xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các phương pháp để dễ dàng trong việc nhận trợ cấp.

Mai Hữu ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng xã hội số: Bước kịp xu thế tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.