Thực hiện Công điện số 01/CĐ-UBND (ngày 12-1-2024) của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt, từ ngày 13-1 đến nay, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, tập trung làm thủ tục đăng ký mở tài khoản cho người dân. Mục tiêu là hoàn thành việc mở tài khoản trước ngày 16-1-2024 để bảo đảm lợi ích tối đa cho người dân thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội.
Đẩy nhanh tiến độ mở tài khoản
Tại huyện Quốc Oai, ngay trong các ngày nghỉ cuối tuần, lực lượng cán bộ lao động - thương binh và xã hội đều ứng trực để đẩy nhanh tiến độ công việc hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Bà Nguyễn Thị Tuyết, xóm trưởng xóm 1 thôn Sài Khê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cho biết: “Xóm tôi có 25 người thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội. Với những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điện thoại thông minh, họ nhờ con cháu, người thân hỗ trợ. Gia đình tôi có một người được hưởng trợ cấp hằng tháng, nay thực hiện chi trả qua tài khoản, tôi thấy rất tiện lợi”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, toàn huyện Quốc Oai có hơn 12.000 người có công với cách mạng và đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Triển khai các yêu cầu về chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, huyện đã chủ động ban hành kế hoạch thực hiện, trong năm 2023 đã chi trả qua tài khoản cho hơn 2.000 đối tượng. Hiện nay, thực hiện công điện của thành phố, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm trong 3 ngày 12, 13 và 14-1-2024, phấn đấu mở tài khoản cho 100% người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội.
Không khí khẩn trương, huy động tổng lực lực lượng tư pháp, dịch vụ bưu chính công ích, ngân hàng, công an… cùng vào cuộc diễn ra tại khắp các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đại tá Nguyễn Hùng Phong, thương binh hạng ¾, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Cán bộ phường Quán Thánh (quận Ba Đình) đã đến tận nhà phổ biến chủ trương, chính sách cho vợ chồng tôi. Tôi nghĩ việc cấp, sử dụng tài khoản phục vụ chi trả không dùng tiền mặt cho người dân được hưởng chính sách an sinh xã hội phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay với rất nhiều tiện ích về thời gian, phương thức thanh toán”.
Nỗ lực bảo đảm mục tiêu
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, Sở đã chỉ đạo toàn hệ thống ngành tập trung bố trí nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với UBND, Công an quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các lực lượng hỗ trợ có liên quan trong việc làm sạch dữ liệu an sinh xã hội, với mục tiêu bảo đảm 100% người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội được cập nhật đầy đủ thông tin phục vụ việc mở tài khoản. Sở cũng đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã phối hợp Tổ công tác 06 cùng cấp thực hiện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mở tài khoản ngân hàng, nhằm bảo đảm mục tiêu thực hiện chi trả cho người dân thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong những ngày qua, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ thành phố cho tới xã, phường, thị trấn đã vào cuộc tổng lực, phối hợp cùng các lực lượng liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ với nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ người dân mở tài khoản chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Công an cấp xã, Tổ công tác Đề án 06 cấp xã, Tổ công tác Đề án 06 các thôn, tổ dân phố, Tổ công nghệ số cộng đồng cũng đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan thực hiện đăng ký và mở tài khoản ngân hàng cho người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, có một số quận, huyện đã đạt đến 95% số người dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Đơn cử như tại quận Long Biên, nhiều phường đạt 100% số người dân thuộc diện thụ hưởng chính sách an sinh xã hội mở tài khoản. Kết quả đó cho thấy sự nỗ lực, cố gắng, vượt qua áp lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.
Hiện nay, các phòng nghiệp vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục nắm bắt tình hình ở các quận, huyện, thị xã để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, phát sinh trong quá trình mở tài khoản theo hướng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Nhờ vậy, các quận, huyện, thị xã không bị lúng túng, đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích, nhận ưu đãi đúng thời gian, không phải xếp hàng chờ đợi lâu.
Trưởng phòng Truyền thông (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội) Dương Thị Minh Châu:
Chi trả chế độ qua tài khoản mang đến nhiều tiện ích
Những năm gần đây, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chức năng đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Qua thực tế triển khai, chúng tôi nhận thấy, việc chi chế độ an sinh qua tài khoản mang đến nhiều tiện ích. Rõ nhất là người thụ hưởng không phải chờ đợi, xếp hàng chờ lĩnh tiền và số tiền nhận về bảo đảm an toàn, chính xác. Với những trường hợp ít phải sử dụng đến khoản tiền nhận về hằng tháng, họ có thể để tiền trong tài khoản như một hình thức tiết kiệm và được hưởng lãi.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cùng cơ quan chức năng, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ tiện ích và lựa chọn mở tài khoản ngân hàng. Kiên trì thực hiện, đến thời điểm hết năm 2023, tỷ lệ chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân của người thụ hưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 43,79%...
Giám đốc Bưu điện Trung tâm Thanh Trì Đàm Thị Chi:
Cần tạo thuận lợi cho người thụ hưởng trong việc nhận tiền
Lợi ích, tiện ích của việc nhận tiền lương hưu, các chế độ trợ cấp qua tài khoản cá nhân đã được minh chứng qua thực tiễn. Tuy nhiên, trên thực tế, có những địa bàn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng xa trung tâm còn ít cây rút tiền tự động (cây ATM), trong khi nhiều người thụ hưởng tuổi đã cao, sức khỏe yếu, không đủ khả năng đi xa để rút tiền, càng không biết cài đặt và sử dụng tài khoản cá nhân trên các thiết bị kết nối internet. Vì thế, vấn đề cần quan tâm là cần tạo thuận lợi cho người thụ hưởng trong việc nhận tiền.
Để tăng số người nhận tiền lương hưu hằng tháng và các khoản trợ cấp an sinh qua tài khoản, cùng với công tác tuyên truyền, tôi cho rằng, các ngân hàng nên bổ sung số lượng cây ATM ở khu vực ngoại thành; miễn phí phát hành thẻ, phí thường niên... Giải pháp khác là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ký hợp đồng trọn gói với Bưu điện Việt Nam, sau đó hệ thống bưu điện liên kết với các ngân hàng tiến hành mở thẻ ATM cho người hưởng các chính sách an sinh xã hội...
Ông Bùi Trọng Thành, thương binh 2/4 (phường Thổ Quan, quận Đống Đa):
Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số
Tôi sinh năm 1952, tham gia chiến trường từ những năm 1969-1970, bị thương nặng năm 1971, sau này chuyển ngành, về công tác tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đống Đa, về hưu từ ngày 1-6-2012. Là người từng công tác trong ngành, tôi chấm điểm 10 đối với các cán bộ làm chính sách, cả về thái độ và chuyên môn trong thực hiện đăng ký mở tài khoản chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Tất cả đều có chuyên môn, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, có thái độ trân trọng đối với người có công, người thuộc diện được hưởng chế độ chính sách an sinh xã hội.
Tôi thấy chủ trương khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện đăng ký mở tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt là đúng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi, chi trả đúng chính sách, đúng đối tượng.
Thu Minh - Thu Hiền ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.