(HNM) - Biến đổi khí hậu khiến hậu quả thiên tai ngày càng khốc liệt. Để giảm nhẹ thiệt hại, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai hàng loạt giải pháp.
Do tác động của biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng có xu thế gia tăng và khó lường cả về quy mô lẫn chu kỳ lặp lại... Trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 300 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất khoảng 1-1,5% GDP. Tính riêng năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích; thiệt hại về vật chất khoảng 60.000 tỷ đồng. Năm 2018, dù mới đầu mùa nhưng trận mưa lũ xảy ra trong những ngày vừa qua tại các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất gần 473 tỷ đồng.
Mưa lũ gây sạt lở ở nhiều nơi tại Lai Châu. Ảnh: TTXVN |
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, công tác phòng, chống thiên tai luôn được quan tâm; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai từng bước được đầu tư, củng cố, nâng cấp… Hiện nay, cả nước đã xây dựng được 5.212km đê sông, 2.681km đê biển, 6.648 hồ chứa thủy lợi, 56 hồ thủy điện bậc thang; 64 khu neo đậu tàu thuyền; 1.349 trạm đo khí tượng thủy văn, hải văn; 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư bảo đảm an toàn cho 191.000 hộ dân vùng ngập lũ; hỗ trợ 12.937 hộ nghèo khu vực miền Trung xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt… Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: Chính quyền, người dân ở một số vùng còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước những trận thiên tai lớn còn rất thấp, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven biển miền Trung, khu vực miền núi phía Bắc…
Hiện cả nước vẫn còn 13.246 hộ dân không có nhà ở hoặc nơi ở không bảo đảm an toàn, cần di dời, 244km đê có nguy cơ bị tràn, 750km đê có nguy cơ bị sự cố, 700 hồ chứa hư hỏng, xung yếu… Trong khi đó, công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Để kiểm soát diễn biến của mưa, mật độ điểm đo phải đạt tối thiểu từ 40 đến 120km2/điểm (các nước tiên tiến như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đạt 25-35km2/điểm). Nhưng thực tế hiện nay, mật độ đo mưa của Việt Nam mới đạt 250km2/điểm; đặc biệt, khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có nơi đạt 1.000km2/điểm… Đây là những nguyên nhân khiến thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn còn rất lớn.
Để giảm nhẹ thiệt hại, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, ngày 18-6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ giảm được 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp đặt các thiết bị cảnh báo; 100% hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở an toàn...
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải coi công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn xã hội. Việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.