Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa tiêu dùng

Hiền Lương| 09/02/2010 06:55

(HNM) - Tết đến xuân về, chuyện tăng giá hàng hóa, dịch vụ lại được dịp xôn xao. Ngay cả khi Chính phủ và các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu, thì nơi này, nơi kia, giá cả hàng hóa cứ có dịp là lại vọt lên.


Lâu nay, cứ mỗi dịp giá cả tăng chóng mặt hay bị "bắt chẹt" gây bức xúc, chúng ta lại tập trung ngay vào khâu quản lý của cơ quan nhà nước. Tất nhiên, trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước giữ vai trò trọng yếu, nhưng bản thân người tiêu dùng cũng giữ vai trò không kém phần quan trọng. Trước những hành vi tăng giá bất thường, người tiêu dùng dường như vẫn dễ dàng "bỏ qua", để rồi chấp nhận "ngậm đắng nuốt cay" mua hàng hay sử dụng dịch vụ "cắt cổ". Có lẽ việc người tiêu dùng tẩy chay siêu thị, cửa hàng hay điểm du lịch vì tăng giá cắt cổ vẫn là chuyện hiếm có khó tìm ở thị trường Việt Nam. Trong cộng đồng người tiêu dùng vẫn phổ biến tính cách dễ bị bắt nạt.

Người viết từng chứng kiến trong Lễ hội Hoa vừa rồi, một số người dân đã nhất quyết bỏ về thay vì chịu mức giá gửi xe 50.000 đồng/lượt để vào thưởng hoa. Thái độ ứng xử có trách nhiệm đó vẫn chỉ là cá biệt, chưa trở thành thói quen ứng xử của người dân. Phần lớn mọi người vẫn "tặc lưỡi" nghĩ rằng "Ôi dào, cả năm mới có một lần, đi chơi tốn 50.000 đồng đâu có đáng gì". Họ không nghĩ rằng, cái "tặc lưỡi đó" đang góp phần dung túng cho thói xấu "bắt chẹt" không thể chấp nhận được ngang nhiên tồn tại bấy lâu nay.

Có cầu ắt có cung, cung "cắt cổ" mà cầu vẫn chấp nhận (dù miễn cưỡng) thì dù cơ quan nhà nước có giỏi quản lý hơn hay phạt thật mạnh, cũng sẽ vẫn cứ tồn tại. Những trò "đục nước béo cò" như thế vẫn cứ sinh sôi nảy nở; còn những người chuyên "bắt chẹt" đó vẫn luôn cười khẩy trên sự dễ dãi thái quá của người tiêu dùng.

Sự hạn chế trong quan điểm ứng xử khi tiêu dùng của người dân có trách nhiệm không nhỏ của Hiệp hội Người tiêu dùng, những cơ quan quản lý thị trường và cả chính quyền địa phương. Người dân được tuyên truyền rằng phải thông thái khi mua sắm. Nhưng thông thái thế nào, làm thế nào để thông thái thì có lẽ từ trước đến nay đều hết sức mơ hồ. Thông thái phải chăng chỉ là đi mua hàng thì phải tự đánh giá chất lượng hàng hóa thế nào, sản xuất ở đâu, hạn sử dụng đã hết chưa...? Hay thông thái là mỗi lần đi mua phải kiểm tra và so sánh giá trên mạng rồi mới quyết định đến đâu để mua? Ngay cả những điều này người tiêu dùng lâu nay vẫn tự phải mày mò và rút kinh nghiệm, chứ chưa hề được hướng dẫn từ những cơ quan hữu trách.

Người kinh doanh có đạo đức kinh doanh, người tiêu dùng cũng phải có đạo đức của mình. Đạo đức người tiêu dùng là không dung túng cho những hành vi trái đạo đức như "bắt chẹt" nói trên. Mấy năm gần đây, chúng ta nói rất nhiều đến văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nhân, nhưng lại rất ít nói về văn hóa tiêu dùng. Muốn hình thành văn hóa của người kinh doanh thì cũng phải coi trọng và tạo dựng văn hóa tiêu dùng làm đối trọng. Có như thế mới dần dần hình thành được thị trường văn hóa - một phần của xã hội văn hóa, văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.