Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng trường học an toàn

Thống Nhất| 20/12/2012 06:53

(HNM) - Theo Bộ Y tế, hằng năm nước ta có khoảng 15 nghìn người chết do tai nạn thương tích (TNTT), 1,8 triệu trường hợp TNTT dẫn tới phải nghỉ học, nghỉ làm tối thiểu một ngày hoặc phải cần tới sự chăm sóc của y tế.



Học sinh cầnđược trang bị những kiến thức cần thiết để tự phòng tránh những tai nạn, thương tích rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.Ảnh: Minh Nguyễn

Đầu năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng chống TNTT gửi tới tất cả các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và các trường trực thuộc trên địa bàn, nêu rõ những nội dung cần triển khai, từ khâu chỉ đạo, tuyên truyền giáo dục, tổ chức tập huấn đến việc kiểm tra, đánh giá… Công tác khảo sát, khắc phục các nguy cơ gây TNTT và xử lý khi xảy ra TNTT (dịch bệnh, đuối nước, tai nạn giao thông, những hiểm họa trong trường học…) cũng được đề cập với từng "đầu việc" cụ thể, tạo thuận lợi cho các trường khi triển khai. Tùy theo độ tuổi của HS, mỗi cấp học xây dựng kế hoạch riêng cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ. Với cấp học mầm non, công tác phòng, chống TNTT được đưa vào quy chế chuyên môn với những quy trình và yêu cầu nghiêm ngặt khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Trong điều kiện thời tiết hay thay đổi như hiện nay, các trường mầm non được yêu cầu duy trì lịch phân công giáo viên (GV) quản lý trẻ mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là trong các hoạt động ngoài lớp học và trẻ mới đi học; rà soát kỹ những nguy cơ có thể gây thương tích cho trẻ như mép bàn, góc tủ, sàn nhà tắm, bếp nấu... Những trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, ốm được theo dõi chặt chẽ; việc gửi thuốc của phụ huynh cũng phải tuân theo những quy định bắt buộc để tránh nhầm lẫn.

Từ đầu năm học đến nay, đội ngũ cán bộ, GV cốt cán của cấp tiểu học đã được tập huấn về phòng, chống TNTT. Hoạt động giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống TNTT của cấp tiểu học dự kiến diễn ra vào học kỳ II năm học này. Đây cũng là những nội dung được triển khai ở các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn từ một, hai năm gần đây, góp phần tăng cường nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của GV, HS và cả phụ huynh trong việc chung tay xây dựng trường học an toàn, phòng tránh những TNTT có thể xảy ra.

Việc bảo đảm an toàn cho HS trong điều kiện vừa xây dựng, cải tạo trường, lớp học, vừa thực hiện kế hoạch dạy học cũng là một trong những phần việc quan trọng của ngành GD-ĐT Hà Nội. Chỉ tính riêng ở khối các trường trực thuộc, trong năm 2012, ban quản lý dự án của sở đã triển khai xây dựng, cải tạo gần 30 công trình với kinh phí gần 70 tỷ đồng; kinh phí cải tạo ở khối các quận, huyện, thị xã khoảng gần 100 tỷ đồng. Với khối lượng công việc không nhỏ, song các đơn vị thi công và nhà trường luôn sẵn sàng các biện pháp phòng ngừa tai nạn, chưa để xảy ra bất cứ một sự việc đáng tiếc nào.

Trong những nguy cơ gây TNTT, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi (khảo sát của Bộ Y tế). Thực trạng này từng gây nhức nhối trong dư luận, nhất là vào dịp hè, mùa mưa lũ. Thực hiện kế hoạch của Bộ GD-ĐT về triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015, Hà Nội đã chỉ đạo, khuyến khích các đơn vị có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hoặc tổ chức cho HS đi học bơi. Khá nhiều trường học ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội đã có bể bơi phục vụ HS. Huyện Thanh Trì, nơi có nhiều ao, hồ, đầm và còn tới hơn 80% HS tiểu học, THCS chưa biết bơi đã có đề án xây dựng bể dạy bơi phòng, chống đuối nước và phổ cập bơi cho HS các trường tiểu học và THCS trên địa bàn giai đoạn 2010-2015. Hiện đã có 4 bể bơi của bốn trường được đưa vào sử dụng, góp phần thiết thực trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho HS.

Khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng, chống TNTT không chỉ cho HS, mà với cả đội ngũ hơn 100 nghìn cán bộ, GV, nhân viên toàn ngành, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sở đang kiện toàn ban chỉ đạo về công tác này với sự tham gia vào cuộc của tất cả các phòng, ban chức năng. Quan điểm được quán triệt tới mọi thành viên là phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành. Nội dung tập huấn sẽ được điều chỉnh cho sát với thực tế hơn. Đơn cử như tại các khóa tập huấn về phòng, chống đuối nước, ngoài việc học bơi, HS còn cần được trang bị kỹ năng cứu người bị nạn. Các em cần có kiến thức, kỹ năng để nhận biết rằng trong trường hợp nào có thể nhảy xuống cứu bạn, trường hợp nào phải gọi người lớn, lúc nào có thể dùng sào... Công tác tập huấn, hướng dẫn những nội dung có liên quan đến TNTT sắp tới sẽ có thêm thành phần là phụ huynh HS. Cách làm này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh mà còn huy động sự chung tay của toàn xã hội vào việc trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trường học an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.