(HNM) - Để đạt mục tiêu có từ 50% đến 55% số trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015 theo Nghị quyết HĐND TP Hà Nội đã nêu, từ nay tới cuối năm 2014, chỉ tiêu kế hoạch mà thành phố giao cho các quận, huyện là xây dựng 100 trường đạt chuẩn.
Chỗ tập trung, nơi lơ là
Tính đến giữa tháng 6-2014, Hà Nội có 885 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 42,3% tổng số trường trên địa bàn thành phố. Với tiến độ này, việc "cán đích" mục tiêu đề ra vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, kết quả xây dựng trường đạt chuẩn ở các quận, huyện lại có sự chênh lệch rõ rệt. So với các quận, huyện thuộc tốp trên có tỷ lệ trường đạt chuẩn ở mức trên 60%, tỷ lệ trường đạt chuẩn ở các đơn vị thuộc tốp cuối chỉ bằng một nửa, trong đó huyện Phú Xuyên xếp cuối với tỷ lệ trường đạt chuẩn chỉ bằng 1/4 so với tốp trên.
Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhiều nơi chưa thực hiện đầy đủ, thiếu tính bao quát. Ảnh: Bá Hoạt |
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch này là việc triển khai nhiệm vụ ở các đơn vị chưa "đều tay", nơi thì dốc sức cao độ, nơi lại lơ là, chưa quyết liệt. Quận Hà Đông, một trong những đơn vị dẫn đầu thành phố về tỷ lệ trường chuẩn đã dành hơn 20 tỷ đồng để mua sắm thiết bị cho 6 trường học; xây dựng kế hoạch phân kỳ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường theo lộ trình từ nay đến năm 2020. Trong năm học 2013-2014, Hà Đông đã xây mới 3 trường học, 37 phòng học để giảm tải quy mô lớp học; phân tuyến tuyển sinh để điều tiết sĩ số HS/lớp. Huyện Mê Linh thuộc số đơn vị không đạt chỉ tiêu thành phố giao, nay đã có sự tăng tốc, từ chỗ chỉ có 20% số trường đạt chuẩn nay đã tăng gấp đôi, chủ yếu nhờ tập trung nguồn lực để xây mới hơn 400 phòng học, cải tạo 200 phòng học, đầu tư hơn 60 tỷ đồng để mua sắm thiết bị. Hầu hết lớp học đã có phòng học riêng đáp ứng cho hơn 80% số HS học 2 buổi/ngày, tăng gấp 4 lần so với 5 năm trước.
Một số nơi chậm, ngoài lý do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì còn do chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn. Quốc Oai và Ba Vì được cho là điển hình về việc đầu tư dàn trải, có nhiều công trình xây dựng dở dang, không đạt mục tiêu đề ra. Mỗi nơi hiện có gần chục trường chưa hoàn thiện.
- 9 đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn từ 60% trở lên, xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp gồm: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Nam Từ Liêm. - 6 đơn vị xếp cuối: Phú Xuyên, Ba Vì, Hai Bà Trưng, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa. |
Mối lo "tụt chuẩn"
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các địa phương còn đang đối mặt với mối lo về kinh phí phục vụ cho việc cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho những trường đã được công nhận đạt chuẩn từ năm 2008 trở về trước để tránh bị "tụt chuẩn". Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 433 trường thuộc diện này (khoảng 50% tổng số trường đã được công nhận đạt chuẩn). Theo ông Phạm Văn Tài (Ban Văn hóa - Xã hội thuộc HĐND thành phố), thời hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia của mỗi nhà trường là 5 năm, sau thời hạn này, hiệu lực của quyết định không còn, các trường phải được kiểm tra, thẩm định lại. Số liệu trường chuẩn hiện nay dựa trên tổng số trường đã được công nhận từ trước đến nay, nếu đối chiếu với tiêu chí trường chuẩn hiện hành thì số trường đủ điều kiện đạt chuẩn chắc chắn không cao như vậy.
Quá trình khảo sát thực tế tại các quận, huyện, thị xã trong tháng 5 vừa qua của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND thành phố) cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn tại nhiều nơi chưa được thực hiện đầy đủ, thiếu tính bao quát. Hầu hết các đơn vị mới chỉ tập trung vào việc đầu tư để được công nhận đạt chuẩn, ít quan tâm đến hai nhiệm vụ còn lại là duy trì chất lượng và phát huy vai trò của một trường chuẩn, góp phần phục vụ tốt cho việc dạy và học. Nhiều trường xây đã lâu, thiếu quỹ đất để mở rộng; trang thiết bị đã cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng, khiến HS thiệt thòi.
Theo kết quả rà soát của các quận, huyện, trong số 433 trường nằm trong diện phải thẩm định lại có 300 trường đạt yêu cầu trường chuẩn trong giai đoạn mới, có thể đề nghị thành phố ra quyết định công nhận lại. Hầu hết số trường còn lại đều không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu về tiêu chí tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị. Đáng chú ý là những trường thuộc diện này đều nằm ở khu vực ngoại thành, tập trung ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thạch Thất, Ứng Hòa. Ngoài ra, thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT cho thấy, tại nhiều trường học ở khu vực các huyện còn khoảng 2.300 phòng học tạm, học nhờ và phòng học cấp 4 đã xuống cấp, cần phải xây lại. Đây thực sự là mối lo bởi đa số huyện nói trên đều có khó khăn, ngân sách hạn chế trong khi khối lượng công việc và áp lực thời gian quá lớn. Để tháo gỡ khó khăn này, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sắp tới Sở sẽ cùng các sở, ngành liên quan rà soát chi tiết và tham mưu với thành phố nhằm ban hành kế hoạch thực hiện kiên cố hóa trường lớp nhằm xóa hết số phòng học tạm - nhờ - xuống cấp nói trên. Theo dự kiến, những đơn vị khó khăn sẽ được hỗ trợ kinh phí và được hưởng cơ chế đặc thù, tạo đà tăng tốc. Bên cạnh yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động vào cuộc quyết liệt, những giải pháp thiết thực nói trên không chỉ nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, mà còn cải thiện, củng cố chất lượng của những trường đã được công nhận đạt chuẩn từ nhiều năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.