cover-1-b4.jpg

Sông Mẹ - dòng chảy văn hóa được bồi đắp qua hàng nghìn năm đang mở ra “cánh cửa” mới trong giai đoạn vươn mình của Thủ đô. Quy hoạch sông Hồng với kỳ vọng đánh thức tiềm lực của dòng sông văn hóa, văn hiến… là nền tảng để vùng bãi cất cánh. Tuy nhiên, từ những thực tế ở các địa phương ven sông hiện nay có thể thấy, kết nối vẫn là điểm yếu. Để có một thành phố sinh thái, thành phố sáng tạo ven sông, cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, sự chung tay của người dân. Chung tay mở cánh cửa tương lai là trách nhiệm và cũng là tình yêu với Thủ đô Hà Nội.

tit-phu1.jpg

Làm sao để các vùng đất ven sông Hồng có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy nông nghiệp đô thị kết hợp với du lịch là một câu hỏi, đặt ra không chỉ với các địa phương.

ongquyen-box.jpg

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng, những năm gần đây, làng quê Hồng Vân đã chuyển mình vươn lên, hình thành một “mảng” xanh thơ mộng nối liền với những câu chuyện lịch sử ở mảnh đất này. Thế nhưng, du khách đến với Hồng Vân vẫn “bập bõm”. Hồng Vân đã xây dựng được nhiều khu vui chơi kết hợp nghỉ dưỡng, song vẫn khó giữ chân du khách. Nguyên nhân chính nằm ở sự kết nối tuyến du lịch Thường Tín còn rời rạc. Thường Tín có nhiều điểm du lịch làng nghề, nhưng đến nay vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm” và chưa biết “bắt tay” cùng nhau phát triển.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau - tôi nghĩ câu này rất đúng, chỉ khi bắt tay kết nối cùng đi, chúng ta mới tạo được một hành trình du lịch đúng nghĩa, ấn tượng và thu hút được du khách”, ông Nguyễn Hải Đăng trải lòng.

Mô hình trồng nho hạ đen kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm cũng ở trong tình trạng như vậy. Tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hợp tác xã Nông nghiệp Xứ Đoài đã xây dựng thành công mô hình kinh doanh kết hợp trồng nho hạ đen với du lịch sinh thái và phát triển các sản phẩm từ sen.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xứ Đoài Vương Đắc Lộc cho biết, xã Cộng Hòa nổi tiếng với di tích cấp quốc gia đặc biệt Đình So cổ kính, cùng nghề làm miến dong truyền thống. Địa danh này chỉ cách trung tâm Hà Nội 10km, gần các khu chung cư lớn, như: Vinhomes Thăng Long, Vinhomes Smart City, Mỹ Đình, An Khánh, Nam Cường…, với hàng nghìn gia đình trẻ có nhu cầu giải trí, du lịch trong ngày. Từ những thuận lợi này, hợp tác xã đã tập trung đầu tư vào phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, đến nay vẫn rơi vào tình trạng “mò mẫm”, vì chưa kết nối được với các điểm du lịch khác trong xã, huyện.

z6010108751263_94cb76b204ea21a3407635f46f465319.jpg
Khu di tích Cổ Loa cần được kết nối với các di tích văn hóa, lịch sử trong vùng. Ảnh: Quang Thái

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, mô hình trồng nho hạ đen kết hợp du lịch sinh thái đã và đang xuất hiện ở một số xã vùng bãi sông Hồng thuộc các huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Quốc Oai, Thường Tín… Song, hầu hết phát triển tự phát và chưa có sự kết nối cùng nhau.

Trong đó, hệ thống giao thông kết nối giữa các điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp ven sông Hồng cũng là một vấn đề. Điều này đang được một số địa phương: Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên… triển khai như một tiền đề cho hành trình mới của vùng bãi ven sông.

Trong câu chuyện kết nối, một điều các chuyên gia du lịch đề cập là sự phối hợp giữa các địa phương và ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để hướng tới chuyên nghiệp hóa.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, việc quảng bá, xây dựng tính chuyên nghiệp đối với các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm của Hà Nội còn yếu, nên du khách chưa biết đến nhiều các mô hình này. Ngoài ra, đây là tour du lịch khá mới mẻ, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành chưa khai thác đến…

z6030673511492_2e62b4056e43a50864f20d7a99b2c72b.jpg
Lễ hội Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) - nơi kết nối du lịch di sản văn hóa các tỉnh, thành phố dọc sông Hồng. Ảnh: Tuấn Điệp
tit-phu2.jpg

Thực tế, nỗ lực của các địa phương là không đủ để biến vùng đất bãi thành trục cảnh quan và tạo ra một động lực phát triển mới cho thành phố ven sông. Do vậy, cần có sự vào cuộc của các ngành, như: Quy hoạch kiến trúc trong việc tạo dựng không gian; văn hóa với việc kiểm đếm, số hóa di sản; thương mại với việc xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm; du lịch với việc quảng bá, kết nối các tuyến du lịch; hay nông nghiệp trong việc phát triển không gian xanh, kinh tế xanh...

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, để triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết trong phát triển du lịch, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau, giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp. Với tài nguyên du lịch tự nhiên và đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt có nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã và đang đầu tư, du lịch xanh, du lịch sinh thái ven sông Hồng có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn nữa, thậm chí hướng đến trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.

“Để tạo một hành trình du lịch vùng bãi sông Hồng gắn với di tích văn hóa, lịch sử của các địa phương, thì phương thức quảng cáo chéo cũng là vấn đề để các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương quan tâm”, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương cho hay.

Quảng bá chéo tức là các điểm đến sẽ giới thiệu, tư vấn cho du khách về điểm kết nối trong cùng một cung đường, một hệ sinh thái với nhau. Từ đó, du khách sẽ biết thêm nhiều điểm du lịch và có các trải nghiệm khác nhau, đồng thời, tăng tính kết nối giữa các điểm, mang đến lợi ích cho tất cả các bên. Cùng với đó, vai trò của các doanh nghiệp lữ hành cũng phải được nâng cao - đây là đơn vị có tính kết nối cao nhất giữa các điểm du lịch…

z6010154438050_aa8895aa989dcec8c5c67f102baa309d.jpg
Các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động kết nối để thúc đẩy phát triển thế mạnh của mỗi bên. Ảnh: Đỗ Minh

Và, một vấn đề đặc biệt quan trọng cùng với quy hoạch, đó là: Ngành Nông nghiệp phải chủ động đi trước khi xây dựng định hướng sản xuất ở vùng bãi sông.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, vùng bãi ven sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống... với diện tích tự nhiên khoảng 29,4 nghìn héc-ta sẽ tập trung phát triển cây rau đậu thực phẩm, rau an toàn, cây ăn quả và chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành đai xanh. Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn… Đây sẽ là những tiền đề quan trọng cho vùng bãi cất cánh trong tương lai gần…

Để phát triển vùng đất ven sông Mẹ, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể xem xét các khu dân cư hiện hữu ở vùng bãi, xây dựng mới công trình, với tỷ lệ thích hợp, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Các khu vực bãi sông, bãi nổi được phép xây dựng không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng, nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm không làm cản trở dòng chảy. Sau công tác quy hoạch, việc hoàn thiện các hành lang pháp lý liên quan đến quá trình triển khai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo đảm tính thống nhất, nguyên tắc khi thực hiện. Mặt khác, quá trình triển khai đề án, dự án phải kết nối nhiều cấp, nhiều ngành, nên phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”…

Dòng sông Mẹ đã được định hình trong không gian phát triển mới của Thủ đô. Tầm nhìn mới mang đến những ý tưởng mới, song từ khát vọng đến hiện thực hóa vẫn là một chặng đường…, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là người dân Thủ đô với trách nhiệm và tình yêu Hà Nội.

Bãi nổi giữa sông Hồng không chỉ trù phú về giá trị kinh tế, mà còn có giá trị lớn về thiên nhiên, nơi lưu giữ các hệ sinh thái nguyên bản vùng bãi sông, gồm 209 loài thực vật bậc cao như cây gỗ, cây thuốc, cây ăn quả, rau màu, vùng cỏ tự nhiên… Bãi nổi giữa sông Hồng còn là sân chim, nằm ở trung tâm của tuyến di cư Đông Á - châu Đại Dương. Khu vực này còn là nơi trú ngụ của một số loài nguy cấp toàn cầu, như: Sẻ đồng ngực vàng, vịt mỏ nhọn, bạch anh, đại bàng đen…

Đặc biệt, tại bãi nổi giữa sông Hồng còn tập trung đông dân cư, bao gồm 6 nhóm: Canh tác nông nghiệp, chăn nuôi; kinh doanh nhà hàng, du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng; nhóm người lao động nghèo sống tạm xóm Phao; nhóm kết nối với thiên nhiên với hoạt động thể dục, thể thao và cuối cùng là nhóm thực hiện các chuyến du lịch tại bãi giữa.

Ông NGUYỄN MẠNH HÀ
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD)

Khu vực bãi nổi sông Hồng cần được quy hoạch, quản lý, thực hành thân thiện, bền vững môi trường và dung hợp xã hội. Quy hoạch khu vực bãi giữa sông Hồng nên tập trung vào bảo tồn cuộc sống hoang dã của chim muông, cây cối; các hoạt động nếu có, thì cần hướng đến giáo dục, trải nghiệm thiên nhiên. Hoạt động nông nghiệp phải là nông nghiệp sinh thái kết
hợp văn hóa, du lịch, nhất là xem xét chuyển đổi sinh kế và tích hợp các hoạt động của người dân có sẵn tại khu vực vào quy hoạch phát triển của thành phố.

Ông LÊ QUỐC BÌNH
Điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống

XEM TIẾP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: “Chìa khóa” mở cánh cửa tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.