Những ý tưởng, chương trình, dự án đã được hiện thực hóa, nhưng các vùng đất bãi dù là làng cổ nhiều năm gắn với mô hình làng nghề - du lịch hay làng sinh thái - du lịch mới hình thành những năm gần đây vẫn còn nhiều trăn trở. Khi chưa phá dỡ được những "rào cản", chưa hóa giải được những thách thức, vùng đất bãi khó có thể vươn mình cùng Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.
Làng nghề gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, đã ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất và du lịch, song để tạo ra một không gian bảo tồn mở, một không gian văn hóa tích hợp nhiều loại hình để trở thành một trung tâm du lịch xứng tầm, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, làng nghề gốm Bát Tràng được biết đến là vùng đất lưu giữ nhiều di tích cách mạng, lịch sử, văn hóa, kiến trúc truyền thống. Bên cạnh truyền thống làng nghề, nền văn hóa lâu đời của xã Bát Tràng còn có những nét đặc trưng thể hiện qua hội làng, các phong tục, tập quán, ẩm thực truyền thống độc đáo. Đó là lợi thế để Bát Tràng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, trải nghiệm. Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận Bát Tràng là “Điểm du lịch của Thủ đô”; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Thời gian vừa qua, huyện Gia Lâm đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội ứng dụng công nghệ 4.0 triển khai đầu tư du lịch thông minh tại Bát Tràng; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các loại hình dịch vụ du lịch dưới dạng phim 3D. Cùng với đó, đầu tư hệ thống thuyết minh tự động tại các điểm tham quan và hệ thống du lịch thông minh qua ứng dụng trên điện thoại; tạo mã QR giới thiệu các di tích văn hóa, lịch sử bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Tuy nhiên, làng gốm Bát Tràng vẫn trong "manh áo chật". Muốn phát triển, phải rà soát quy hoạch tổng thể, gắn với định hướng phát triển, mở rộng không gian làng nghề là cả câu chuyện mà chỉ dựa vào người làng nghề và chính quyền huyện Gia Lâm sẽ vô cùng khó khăn.
Nghệ nhân Hà Thị Vinh chia sẻ: Hạ tầng cơ sở, môi trường và con người đang là những hạn chế để làng nghề trăm tuổi ven sông Hồng phát triển. Hiện tại, hạ tầng giao thông, hệ thống hướng dẫn viên hiểu về nghề, về làng nghề còn thiếu, làng nghề phát triển du lịch mạnh, nhưng chủ yếu là do các hộ dân tự phát.
“Chúng ta cần nhìn xa ra Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, tại sao họ hút được du khách quốc tế. Đó là dấu ấn hằn lên dòng chảy lịch sử của làng quê đó, nhưng để nói, để dẫn dắt, để hiện thực hóa điều đó ở Bát Tràng thì phải xử lý những con đường “khập khễnh”, sự thiếu chuyên nghiệp trong ngay chính làng nghề”, nghệ nhân Hà Thị Vinh trải lòng.
Làng cổ Đường Lâm cũng đối mặt với nhiều khó khăn để phát huy giá trị di sản, mặc dù thị xã Sơn Tây cũng kỳ vọng về một làng du lịch nổi tiếng trong hành trình phát triển công nghiệp của địa phương.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Đăng Thạo, Đường Lâm là nơi lưu giữ, bảo tồn một kho tàng văn hóa, lịch sử quý báu của một làng quê thuần Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đất này còn lưu giữ hệ thống cổng làng cổ, đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, văn chỉ, võ chỉ, giếng, điếm, rặng duối cổ, cây đa, bến nước, những lễ hội truyền thống, nét ẩm thực đặc sắc và hàng trăm ngôi nhà cổ, gần một nghìn ngôi nhà truyền thống Việt. Trong đó, có cổng cổ bên cạnh cây đa 300 tuổi của làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, chùa Mía, đình thờ Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền… Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được trao Bằng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Sau gần 20 năm được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia, làng cổ Đường Lâm đã trở thành một “điểm sáng” về bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Đường Lâm phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 150.000-200.000 lượt khách du lịch/năm, đến năm 2035 đạt khoảng 250.000-300.000 lượt khách/năm. Hiện, chính quyền và người dân đang xây dựng nơi đây thành những không gian sáng tạo độc đáo, mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách, như: Không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài Creative; không gian Đoài Community, góp phần phục vụ trẻ em làng cổ và du khách đến tham quan.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Thạo, môi trường và hệ thống giao thông vẫn là vấn đề khó khăn ở làng nghề du lịch này. Bãi đỗ xe, không gian văn hóa, đường liên thôn trong làng cần được đầu tư, vừa là bảo tồn, vừa là nâng cấp. Vấn đề người dân sống trong làng cổ cũng như mở rộng không gian sống cho người dân cũng cần được giải quyết. Qua đó, bảo vệ những ngôi nhà cổ, những không gian truyền thống.
“Cần có chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình trong làng cổ, đồng thời, bài toán quy hoạch, bảo tồn làng cổ cũng cần được tính đến ở mỗi thời kỳ, giai đoạn”, ông Nguyễn Đăng Thạo đề xuất.
Hay như quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) hướng tới hình thành trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái hồ Tây - Cổ Loa.
Nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ 24km, Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết về An Dương Vương định đô, xây thành, chiếc nỏ thần Kim Quy, hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền xưng Vương, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai. Có thể nói, đây là một không gian văn hóa lịch sử hết sức quan trọng trong đời sống người Việt. Khu di tích lịch sử thành Cổ Loa trải rộng trên địa phận 3 xã: Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.
Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương thẳng thắn thừa nhận, để phát triển du lịch, Cổ Loa không chỉ phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến việc bảo vệ di sản, mà còn cần phải chuyên nghiệp hóa về du lịch. Để trở thành điểm du lịch ấn tượng, ngoài yếu tố lịch sử, Cổ Loa cũng cần một hệ thống kết nối về giao thông, kết nối về du lịch cũng như chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên, quảng cáo, tiếp thị và mở rộng hợp tác, kết nối, xây dựng các tuyến du lịch. Hiện tại, du lịch tại Cổ Loa vẫn là khái niệm mới mẻ với người dân nơi đây, trong khi đầu tư cho phát triển du lịch văn hóa chưa được chú trọng.
Trở lại với câu chuyện tại làng nghề du lịch ven sông Hồng tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ: Ý tưởng về một làng văn hóa, làng du lịch sinh thái ven sông Hồng hình thành từ những năm 2014-2015, khi triển khai gặp không ít khó khăn, hàng trăm cuộc họp ở các thôn, xóm đều bị bác bỏ. Thế rồi, cứ kiên trì, bền bỉ, dần dần thay đổi tư duy đến hành động. Và hôm nay, Hồng Vân đã trở thành điểm du lịch cấp thành phố.
Tư duy về công nghiệp văn hóa cũng bị giới hạn ở chính mỗi cấp ủy Đảng địa phương và đây thật sự là một lực cản trên con đường phát triển. Năm 2020, làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng để Hạ Thái củng cố thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, đồng thời có bước chuyển mình theo xu hướng phát triển mới của xã hội.
Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái Nguyễn Thị Hoa thông tin, sau gần 4 năm được công nhận là điểm du lịch làng nghề, Hạ Thái vẫn chưa thu hút được bao nhiêu du khách, phải thẳng thắn nhìn nhận, cán bộ địa phương vẫn chưa nhận thức đúng về việc phát triển du lịch làng nghề.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, Hạ Thái có tiềm lực rất lớn, song để hình thành tuyến du lịch, phải liên kết, kết nối và cần có nguồn lực về vật chất, con người.
Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái chia sẻ, người làm nghề chỉ đơn thuần sản xuất, chưa có kỹ năng phát triển du lịch. Thực tế, phát triển du lịch là hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại hiệu quả cho sản phẩm của làng nghề. Vấn đề đang nằm ở nhận thức, tư duy về du lịch làng nghề… Điều quan trọng để du khách ấn tượng về làng nghề không chỉ ở sản phẩm, mà còn ở nguồn gốc lịch sử, nét đẹp văn hóa…, do đó, cần có chương trình phát triển cụ thể và đồng bộ với hạ tầng.
Không chỉ các làng có nghề, mà vùng bãi sông Hồng đang cất cánh bởi tư duy mới của người dân nơi đây. Khu du lịch thôn Anh An nằm sát bờ sông Hồng (quận Long Biên) những năm qua đã trở thành địa điểm du lịch hút khách. Anh Nguyễn Huy Thiêm, chủ nhân của khu du lịch bộc bạch: “Tôi muốn xây dựng nơi đây thành nơi lưu giữ nét đẹp của làng quê Việt đã trở thành một ký ức tuổi thơ của mình, đồng thời cũng muốn các con mình có những trải nghiệm thực tế của làng quê Việt mà bây giờ gần như không còn”. Anh Nguyễn Huy Thiêm cho biết, mô hình được xây dựng hoàn toàn từ ý tưởng của bản thân, chưa có tính chuyên nghiệp, nên chưa thu hút được du khách.
Để vùng đất ven sông vươn mình trong thời đại phát triển mới, người dân nơi đây cần “mở cửa” chính mình để hình thành những tư duy mới, chỉ đường cho năng lực sáng tạo. Còn một khi rong rêu vẫn phủ kín điểm nhìn thì rất khó nói đến chuyện thành công. Những thực tiễn như đã nêu trên cho thấy, vùng bãi là khối “tài sản” vô giá mà dư địa chưa được tập trung khai thác. Để vùng bãi cất cánh thì cán bộ địa phương đến mỗi cá nhân cần đổi mới tư duy, nhận thức và quyết liệt triển khai với những hành động thực tế. Quy hoạch sông Hồng là “chìa khóa” mở cánh cửa cho vùng bãi chuyển mình, song câu chuyện chuyển mình ra sao, như thế nào còn là bài toàn cần lời giải từ các cấp, ngành.