Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng trạm cấp cứu ở vùng ven: Mô hình cần nhân rộng

Tuệ Diễm| 24/06/2016 08:00

(HNM) - Tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh khiến nhiều bệnh nhân tử vong trước khi xe cấp cứu của Trung tâm 115 tiếp cận hiện trường, đã làm giảm niềm tin trong dân.


Rút ngắn thời gian chờ được cứu

Theo báo cáo của Bệnh viện (BV) Quận 2, 6 tháng đầu năm 2016, BV tiếp nhận 12.000 ca cấp cứu, trong đó 2.000 ca khám cấp cứu, 9.000 ca tai nạn giao thông. Nhưng do xe cấp cứu đến trễ, người dân phải vận chuyển người bị thương bằng xe máy, xe taxi đến BV này điều trị và điều này tiềm ẩn nhiều tai biến cho bệnh nhân do cấp cứu sai cách.

Xe cứu thương của Bệnh viện Quận 2 sẵn sàng làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh.



Trên những cơ sở phản ánh của người dân, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đánh giá mô hình Trung tâm cấp cứu 115 không còn phù hợp, nên quyết định áp dụng mô hình của các nước phương Tây là xây dựng hệ thống trạm cấp cứu ngoại viện. Tính đến cuối tháng 6-2016, Sở Y tế đã thành lập 5 trạm cấp cứu ngoại viện: BV quận Thủ Đức, BV Quận 2, BV Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi), BV Bình Tân, BV Đa khoa Sài Gòn.

Sau khi thành lập và đi vào hoạt động được một tháng, trạm cấp cứu của BV Đa khoa Xuyên Á đã cứu sống từ 7 đến 10 bệnh nhân/tuần thông qua tổng đài cấp cứu 115. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu - Tổng Giám đốc BV Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Càng ngày số lượng người dân tin tưởng dịch vụ cấp cứu càng tăng lên, thông qua việc cấp cứu nhanh chóng nhờ thông tin chuyển từ Trung tâm cấp cứu 115 rất kịp thời. Thông qua sự phối hợp trên, năng lực cấp cứu của BV cũng tăng lên”. Tại các trạm cấp cứu đặt tại các BV đã đi vào hoạt động tại các quận Bình Tân, Thủ Đức đều thu được kết quả tốt, người dân được vận chuyển bằng xe cấp cứu đến BV đang gia tăng nhanh chóng, mỗi BV đã đáp ứng được 3-4 chuyến làm nhiệm vụ cấp cứu/ngày.

Trước hiệu quả trên, trong quý III và quý IV này, thành phố sẽ tiếp tục thành lập thêm 3 trung tâm cấp cứu đặt tại: BV Quận 7, BV Bình Chánh và BV Triều An. Các trạm cấp cứu này sẽ nhận thông tin từ Trung tâm cấp cứu 115 và di chuyển đến khu vực bệnh nhân cần cấp cứu một cách nhanh nhất.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Việc ra đời các trạm cấp cứu tại các cửa ngõ ra vào thành phố dù mang lại hiệu quả bước đầu nhưng quá trình triển khai đến nay đang gặp khó khăn khi không ít BV đang trong tình cảnh thiếu trang thiết bị, nhân lực và kinh phí hoạt động. Trước thực trạng trên, Sở Y tế thành phố đã đặt hàng Đại học Y Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận đào tạo đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu để cung ứng nguồn nhân lực cho các trạm cấp cứu trên địa bàn. Sở cũng sẽ làm việc với bảo hiểm xã hội để giải quyết chi phí khám chữa bệnh cho người cấp cứu trên quan điểm những dịch vụ nào được bảo hiểm thanh toán thì sẽ được chi trả cho BV tư; những khoản nào người dân phải chi trả cần được quy định rõ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các trạm cấp cứu chính là việc huy động xe và trang thiết bị trên xe cấp cứu thì ngành chức năng vẫn đang xoay xở mà chưa có giải pháp hữu hiệu. Hiện nay, chỉ có Trung tâm cấp cứu 115 được ngân sách đầu tư 5 xe cấp cứu và chi trả kinh phí hoạt động. Còn lại, các đơn vị tham gia trạm cấp cứu tại các BV công đa số tận dụng xe của đơn vị mình, còn BV tư như BV Đa khoa Xuyên Á phải tự trang bị xe.

Ngoài nỗi lo trên, có không ít băn khoăn xuất phát từ việc mở rộng các trạm cấp cứu sẽ bị đối tượng xấu chống phá bằng các trường hợp gọi cấp cứu nhưng không có thật. Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Châu cho biết: “Sau khi tham gia vào trạm cấp cứu, các cuộc gọi "hoang báo" đến BV không nhiều và chúng tôi không lo ngại vấn đề này. Và nếu có, trạm cấp cứu của các BV tư nhân hay công lập cũng nên chấp nhận rủi ro, bởi đừng bao giờ để tình trạng người dân gọi vào tổng đài cấp cứu mà không có người bắt máy”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trạm cấp cứu ở vùng ven: Mô hình cần nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.