Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Mục tiêu khó đạt

Việt Phong| 01/06/2016 07:49

(HNM) - Mặc dù là một trong ba cường quốc xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo


Để xây dựng được thương hiệu gạo, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp (DN) cùng nông dân phải chung tay tổ chức vùng nguyên liệu, xác định nhóm giống chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có định hướng... Nếu không, đây vẫn là mục tiêu khó đạt.

Thiếu định hướng thị trường

Năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đề án hướng tới là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam; nâng cao nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng đối với sản phẩm gạo của Việt Nam. Theo đề án, phấn đấu đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và có mặt trên 20 thị trường xuất khẩu; phấn đấu 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam... Mặc dù vậy, đến nay các bộ, ngành vẫn loay hoay không biết bắt đầu như thế nào.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để xây dựng được thương hiệu gạo, các DN xuất khẩu phải chung tay xây dựng vùng nguyên liệu, xác định nhóm giống chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có định hướng. Song hiện các DN xuất khẩu gạo, kể cả DN nhà nước - vốn giữ vai trò rất lớn - chỉ quan tâm tìm kiếm hợp đồng, không màng tới việc xây dựng vùng nguyên liệu. Vì vậy, chuỗi giá trị lúa gạo xuất hiện nhiều chủ thể trung gian nên khó có định hướng để phát triển.

Do thiếu định hướng thị trường, sản xuất tự phát nên người nông dân còn thói quen trồng lúa cao sản, phẩm cấp thấp nên giá bán không cao. Các DN phó mặc cho thương lái thu gom lúa ở khắp nơi với nhiều loại giống rồi trộn chung để chế biến nên giá bán thấp và không thể xây dựng thương hiệu. TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận định: Vùng ĐBSCL có khoảng 40.000 hộ trồng lúa nhưng GDP hơn 10 năm trước từ chỗ xấp xỉ TP Hồ Chí Minh, nay đã thấp hơn 1,5 lần. Quá trình phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL nhiều năm qua không có sự tập trung về nguồn lực, tài chính và thiếu sự lồng ghép chính sách với thực tế dẫn đến cả nhà nông lẫn DN lúa gạo đều khó khăn. Và tất yếu, "với chất lượng sản phẩm thấp, không thể xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia mà mang đi quảng bá quốc tế" - TS Nguyễn Văn Sánh nhận định.

Cần có chính sách thu hút doanh nghiệp

Để thu hút DN tham gia xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ DN xuất khẩu gạo, HTX và những cá nhân xây dựng thương hiệu gạo; đồng thời, đầu tư xây dựng các cánh đồng lúa quy mô lớn, hiện đại và định hướng để DN là chủ trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, ngoài việc tạo cơ chế, chính sách cho DN xuất khẩu, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ những DN này, tránh tình trạng vì tư lợi mà cản trở việc xây dựng thương hiệu gạo. Ngoài việc nâng cao vai trò DN, các nhà khoa học vào cuộc giúp nông dân tìm giống lúa độc quyền của Việt Nam chứ không nên chọn giống ngoại lai. Nông dân không ngại áp dụng đúng theo mô hình sản xuất an toàn như VietGAP, GlobalGAP song vấn đề người trồng lúa quan ngại nhất là "chữ tín" của các DN trong chuỗi liên kết sản xuất. Sở dĩ thu nhập của nông dân trồng lúa hiện nay chưa được cải thiện là do những bất cập trong khâu tổ chức tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng bởi việc thu mua xuất khẩu trải qua quá nhiều khâu trung gian. Chưa kể, nông dân chưa tiếp cận được nhiều với khoa học - kỹ thuật nên gạo Việt Nam đưa ra thị trường thế giới vẫn tồn tại những nhược điểm như không kiểm soát được dư lượng hóa chất, không truy xuất được nguồn gốc... nên giá bán không cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Mục tiêu khó đạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.