Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt

Thanh Hiền| 12/02/2023 07:32

(HNM) - Đạt giải gạo ngon nhất thế giới, luôn giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu…, song do hầu hết gạo Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, chưa có thương hiệu riêng. Thế nên giá trị mang lại chưa tương xứng với tiềm năng và công sức của người trồng lúa. Vì vậy, việc xây dựng được thương hiệu sẽ giúp cho hạt gạo Việt có cơ hội vào các thị trường lớn.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (tỉnh Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh

So với các nước như Thái Lan, Campuchia…, gạo Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là gạo Việt thua về thương hiệu trước các nước đối thủ, dù chất lượng có thể tốt hơn.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều là gạo thô, chưa có thương hiệu riêng. Các doanh nghiệp nhập khẩu sau khi nhập về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt Nam để bán cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu do các nhà phân phối đặt như: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).

Thời gian gần đây, doanh nghiệp đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu nên yêu cầu các đối tác nhập khẩu từ phía EU nếu muốn mua gạo sạch, gạo thơm của Công ty Trung An Bình phải đóng bao bì gạo Việt Nam, gắn thương hiệu của Việt Nam. “Ban đầu, chúng tôi lo đối tác sẽ giảm lượng mua và bỏ đơn hàng, nhưng thực tế phía đối tác EU vẫn đặt hàng, người tiêu dùng phản hồi thông tin rất tích cực”.

Tương tự, cuối tháng 6-2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn - “Cơm Việt Nam Rice” - sang thị trường châu Âu. Hoạt động xuất khẩu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất của tập đoàn. Lần đầu tiên, gạo do Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng được xuất khẩu sang thị trường chất lượng cao.

Giám đốc Xuất khẩu Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đã xuất khẩu sang thị trường Pháp, Ðức, Hà Lan. Toàn bộ các lô hàng này được vận chuyển bằng đường biển, bảo đảm về chất lượng và được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn. Riêng lượng gạo “Cơm Việt Nam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu. Dự kiến tới đây, thương hiệu gạo này sẽ được tiếp tục phát triển vào thị trường Mỹ và các nước khác trong khối EU”.

Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh) Vũ Thị Huệ đánh giá, nhu cầu gạo của thị trường EU hiện rất cao. Nhiều doanh nghiệp đang mạnh dạn xuất khẩu với số lượng hàng nghìn tấn, thay vì chỉ xuất khẩu nhỏ lẻ vài trăm tấn như trước đây. Giá gạo Việt Nam xuất sang EU cao hơn các thị trường khác. Chẳng hạn, cùng gạo đó nhưng ở thị trường khác giá chỉ 460-470 USD/tấn; sang EU giá đến 650 USD/tấn gạo đạt tiêu chuẩn GAP, cao hơn 120 USD.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Ðạt, nguyên chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), người tiêu thụ trong nước cũng như thế giới đều ưa chuộng loại gạo có thương hiệu, dù giá cao hơn. Tại Việt Nam đã có một số hoạt động xây dựng thương hiệu gạo như thương hiệu gạo thơm ST ở Sóc Trăng, Một bụi đỏ Hồng Dân (gạo vàng sẫm có ánh hơi đỏ) ở Bạc Liêu… nhưng còn riêng rẽ, thiếu chiến lược phối hợp và hỗ trợ của Nhà nước.

Do đó, cần thiết lập Chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam. Nhìn nhận vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng, các doanh nghiệp ngành gạo cần đồng loạt vào cuộc, cùng nhau đầu tư về hình ảnh và marketing cho thương hiệu gạo Việt Nam; đầu tư về chất lượng vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn...

Ngoài ra, để xây dựng thương hiệu gạo Việt cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.