Kinh tế

Thương hiệu gạo Việt vẫn mờ nhạt dù tiêu thụ nhiều

Lam Giang 29/02/2024 - 14:37

Dù tiêu thụ rất nhiều song dường như các nhà phân phối Philippines vẫn chưa thực sự đánh giá cao gạo Việt Nam.

Vấn đề trên được ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Philippines đưa ra tại Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2-2024 với chủ đề: "Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024".

Hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức trực tiếp và trực tuyến sáng 29-2.

hn-thuong-vu-29.2.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Theo ông Phùng Văn Thành, Philippines là quốc gia sản xuất lúa gạo nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước nên cần nhập khẩu 3-4 triệu tấn gạo/năm. Trong đó, nhập khẩu gạo từ Việt Nam chiếm khoảng 85%, từ Thái Lan khoảng 10%, phần còn lại được nhập khẩu từ Ấn Độ, Banglades, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Từ năm 2019, Việt Nam vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo đứng đầu tại thị trường này.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines năm 2023 đạt 3,1 triệu tấn, chiếm gần 87% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này, tuy giảm 2% so với năm trước nhưng về kim ngạch đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,5%, do giá cao. Giá xuất khẩu gạo sang Philippines năm 2023 có thời điểm đạt cao nhất là trên 650 USD/tấn.

Gạo của Việt Nam không chỉ phục vụ tiêu dùng, mà còn là mặt hàng quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lương thực, ổn định kinh tế vĩ mô cho Philippines.

Tuy gạo Việt Nam có nhiều lợi thế tại Philippines song điều nay đã có những thay đổi khi gần đây Việt Nam phát triển mạnh sản phẩm gạo thơm, chất lượng cao.

“Với trên 50 triệu dân có thu nhập trung bình và thấp, Philippines có nhu cầu tiêu dùng khá lớn sản phẩm gạo chất lượng vừa phải. Đặc biệt, mới đây Tổng thống Philippines chỉ đạo các doanh nghiệp nước này kết nối với Việt Nam để tìm kiếm các loại gạo giá rẻ, song ở Việt Nam gần như không có. Các doanh nghiệp, địa phương cần cân nhắc vấn đề này để hướng tới xuất khẩu gạo chất lượng vừa phải bên cạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao”, ông Thành nêu.

xuat-khau-gao-2.jpg
Ảnh minh họa.

Từ thực tế ghi nhận tại thị trường Philippines, ông Thành cho biết, dù ngày càng nhiều người Philippines dùng gạo Việt Nam nhưng các nhà nhập khẩu gạo nước này làm nhãn mác gạo sản xuất tại Việt Nam khá mờ nhạt nên “phải nhìn kỹ mới thấy”.

Trong khi đó, gạo Thái Lan, Nhật Bản xuất khẩu vào Philippines được nhà phân phối nước này ghi thương hiệu “Thai Rice” hoặc “Japanese Rice” rất to, rõ trên bao bì.

Nguyên nhân theo ông Thành, từ trước đây người Philippines nói tới gạo là nhắc đến gạo Thái, gạo Nhật và vẫn chưa thực sự đánh giá cao gạo Việt Nam. Vì vậy phải đẩy mạnh làm thương hiệu để doanh nghiệp phân phối Philippines có thể giới thiệu rõ ràng hơn gạo Việt Nam tại hệ thống phân phối của họ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, lúa gạo là hàng hóa thiết yếu, với hơn 50% dân số trên thế giới tiêu thụ hằng ngày. Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1-2024 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt.

Thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam là khu vực châu Á, chiếm tới 75% tổng sản lượng. Năm 2024, dự báo tình hình thế giới vẫn có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đàm phán để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thương hiệu gạo Việt vẫn mờ nhạt dù tiêu thụ nhiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.