(HNMO) - Tại hội thảo khoa học “Vận dụng sáng tạo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” diễn ra sáng 22-12,
các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ quản lý đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết. Trong đó, các tham luận đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp nhằm xây dựng Thủ đô trở thành “điểm đến” của nhân sĩ, trí thức và các nhà đầu tư.
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương:
Phát huy hơn nữa nguồn tài nguyên con người
Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Để thực hiện được trách nhiệm và sứ mệnh cao cả đó, Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn, làm tốt hơn nữa một số vấn đề.
Thứ nhất, nhận thức sâu sắc hơn và giải quyết hiệu quả hơn nữa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời với chú trọng phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thứ hai, xây dựng, thực hiện nghiêm túc những cơ chế đồng bộ, thực chất để phát huy mạnh mẽ vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Thủ đô; hiện thực hóa quan điểm “dân là gốc” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cùng với đó là phát huy tốt hơn nữa nguồn tài nguyên con người vốn là thế mạnh vượt trội của Thủ đô.
Thứ ba, tập trung cao độ nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh, vững về chính trị, cao về trí tuệ, đẹp về văn hóa - nhất là văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý; thật sự là kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Con đường phía trước còn dài, đích đến còn xa, còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thực tiễn đất nước, thực tiễn Thủ đô trong mấy chục năm qua khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn. Thực tiễn sinh động cho chúng ta niềm tin, sức mạnh để tiếp tục kiên định con đường đã lựa chọn, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc, một Thủ đô xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương:
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Với vai trò là Đảng bộ Thủ đô, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, với nhiều tiềm năng, thế mạnh, Đảng bộ Hà Nội cần tập trung cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khâu “then chốt” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng tầm đảng bộ hình mẫu, toàn diện về mọi mặt.
Đây sẽ là khâu đột phá, quan trọng nhất để xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị của thành phố trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thực tế cũng cho thấy, nguyên nhân của mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ đội ngũ cán bộ. Cùng với việc đánh giá đội ngũ cán bộ cho đúng thực trạng, thực chất, thành phố cần có kế hoạch cụ thể để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ để từ đó bố trí, sắp xếp cán bộ cho khoa học, phù hợp với năng lực, sở trường và đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị.
Từ thực tiễn sinh động của Đảng bộ Hà Nội, chắc chắn sẽ có nhiều mô hình cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, thành phố vì hòa bình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh:
Tận dụng hiệu quả khoa học, công nghệ
Trong giai đoạn phát triển mới, thế hệ trẻ hôm nay có vai trò quan trọng trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đối với tuổi trẻ Thủ đô, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị chung của thành phố, thế hệ trẻ với đặc điểm: Có bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, năng động, chủ động trong hội nhập quốc tế… được kỳ vọng sẽ là thế hệ làm chủ, đón đầu chuyển đổi số, khoa học, công nghệ; là lực lượng quan trọng, tham gia xây dựng Thủ đô trên mọi lĩnh vực.
Với ưu thế của mình, thế hệ thanh niên hiện nay cần tận dụng tối đa, hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để tham gia trực tiếp, hiệu quả vào quá trình thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược; phát huy tối đa vai trò của mình trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với nền kinh tế tri thức, kinh tế số.
Cùng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, thanh niên Hà Nội sẽ luôn khẳng định trách nhiệm đối với quốc gia, tình yêu đối với Hà Nội bằng một khát vọng lớn và thông qua những hành động cụ thể, thiết thực; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố; từng bước cùng thành phố đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống.
Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng (quận Đống Đa) Đàm Thế Anh:
Phát triển văn hóa, con người Hà Nội
Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội được nâng lên với một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.
Để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bám sát tình hình thực tiễn Thủ đô, thành phố tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa bảo đảm tính trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá.
Trong đó, để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thành phố đã ban hành 2 quy tắc ứng xử. Hai văn bản này được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới cán bộ, đảng viên và nhân dân và bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Ở nhiệm kỳ này, thành phố cần đổi mới phương pháp tuyên truyền tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin truyền thông về truyền thống thanh lịch, văn minh, khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa, tạo nên giá trị văn hóa mới của người Hà Nội. Cùng với đó, cần biểu dương khen thưởng “Người tốt, việc tốt”, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của người Hà Nội; bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.