Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thỏa ước lao động tập thể: Vai trò “cầu nối” và lợi ích kép

Linh Nhi| 12/09/2013 06:20

(HNM) - Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) được LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá là điểm sáng về thực hiện tốt công tác thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT).



Với hơn 22.000 người lao động (NLĐ) làm việc tại gần 70 cơ sở trực thuộc, Tổng Công ty đã chỉ đạo, hướng dẫn được 93% số đơn vị xây dựng được TƯLĐTT với nhiều điều khoản trên luật, có lợi cho NLĐ. Kết quả của việc này là đời sống CNLĐ được bảo đảm, nhiều năm qua không có đơn thư, khiếu nại liên quan đến quyền lợi, các chế độ chính sách đối với NLĐ…

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Chủ tịch Công đoàn các KCN-CX Hà Nội Đinh Quốc Toản khẳng định, TƯLĐTT chính là căn cứ xác đáng nhất, làm nền tảng xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN, góp phần hạn chế các vụ tranh chấp lao động, đình công. Đây là văn bản thỏa thuận giữa tập thể NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về các điều kiện lao động thông qua thương lượng tập thể, mang lại lợi ích kép cho cả NLĐ và NSDLĐ. Từ đó thúc đẩy NLĐ làm việc với năng suất, chất lượng cao, tạo đà tăng trưởng, mang lại lợi nhuận cho DN, tạo nguồn phúc lợi là cơ sở tăng thu nhập cho NLĐ.

Hiệu quả từ việc thực hiện tốt công tác xây dựng TƯLĐTT của Handico là ví dụ điển hình. Chủ tịch Công đoàn Handico Phan Thanh Chung chia sẻ, để có được những bản TƯLĐTT có lợi cho NLĐ so với quy định của pháp luật hiện hành như tiền thưởng, tiền trợ cấp tàu xe, nghỉ phép, hỗ trợ ốm đau, hiếu hỷ, nghỉ mát, chế độ an toàn vệ sinh lao động… công đoàn Handico đã phải rất cố gắng. Một mặt, công đoàn nắm tình hình thực tế thu nhập, đời sống của NLĐ để có căn cứ, tham mưu cụ thể cho lãnh đạo DN làm căn cứ xây dựng TƯLĐTT. Mặt khác, vận động NLĐ nâng cao trách nhiệm với công việc và phân tích để họ hiểu năng suất lao động mang lại lợi ích cho DN, cũng chính là mang lại thu nhập cao hơn cho họ. Với vai trò "cầu nối", công đoàn dự thảo bản TƯLĐTT để NSDLĐ và NLĐ nghiên cứu, ký kết, với mục tiêu thỏa ước ra đời mang lại lợi ích cho cả hai phía.

Một ví dụ khác chứng minh cho lợi ích kép từ việc ký kết TƯLĐTT là tại Công ty TOTO Việt Nam. Hiện DN đã ký TƯLĐTT với toàn thể 2.130 NLĐ đồng thời là đoàn viên công đoàn với những điều khoản trên luật như chế độ trợ cấp 220.000 đồng/tháng cho NLĐ có gia đình hoặc con dưới 6 tuổi; trợ cấp 200.000 đồng/tháng cho NLĐ phải thuê nhà ở… Chủ tịch Công đoàn công ty Trần Lê Hoàng Nam cho biết, là DN 100% vốn nước ngoài, để ký được TƯLĐTT với điều khoản trên luật cho NLĐ, bí quyết của công đoàn công ty là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phân tích cho chủ DN thấy lợi ích khi ký TƯLĐTT sẽ góp phần làm rõ công việc, trách nhiệm, cũng như quyền lợi cụ thể của NLĐ, tránh tác động khách quan, gây bất hòa, tranh chấp lao động, ngừng việc, đình công.

Loay hoay giải pháp nâng cao chất lượng

Thực tế, rất dễ để nhận thấy lợi ích cũng như hiệu quả của việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Tuy nhiên, Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ thành phố Hà Nội) Kiều Hùng cho biết, đây vẫn là vấn đề "nóng" của tổ chức công đoàn. Sau rất nhiều nỗ lực, hiện nay các cấp công đoàn thành phố mới chỉ vận động được 60% trên tổng số 6.000 CĐ cơ sở, trong đó có 2.500 DN ký được TƯLĐTT với NLĐ. Ông Hùng cũng thừa nhận, trong số đó, TƯLĐTT có chất lượng, với nhiều điều khoản trên luật có lợi hơn cho NLĐ không nhiều. Nguyên nhân của thực trạng này cơ bản là do lực lượng cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay là bán chuyên trách và kiêm nhiệm, thiếu kiến thức về pháp luật lao động, đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền, vận động thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Thành phố mới chỉ có 23 cán bộ công đoàn chuyên trách được giao làm nhiệm vụ này, họ vừa chỉ đạo, hướng dẫn, vừa tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở.

Nhiều cán bộ công đoàn bức xúc, nếu công đoàn "đơn thương độc mã" trong nhiệm vụ này, mục tiêu nâng cao chất lượng TƯLĐTT, góp phần xây dựng lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN rất khó thành hiện thực. Hiện nay, phần lớn DN không muốn ký TƯLĐTT vì lo ngại bị ràng buộc trách nhiệm với NLĐ, nhiều DN viện cớ thực hiện tốt chế độ chính sách đối với NLĐ là ổn, không cần phải ký TƯLĐTT. Một rào cản lớn, nhiều cán bộ công đoàn đề cập là muốn xây dựng TƯLĐTT có chất lượng, công đoàn phải có đầy đủ căn cứ xác đáng, đề xuất, tham mưu với NSDLĐ, trong khi đó, hầu hết cán bộ công đoàn phải lo nhiệm vụ chuyên môn, không đủ thời gian cũng như điều kiện rà soát, nắm bắt nhu cầu, tình hình cuộc sống của NLĐ. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam Phạm Thị Vân Anh kiến nghị, cần tạo cơ chế, chính sách phù hợp để công đoàn có thể vừa tăng cường tiếp xúc lấy ý kiến của NLĐ, vừa đàm phán, phân tích với NSDLĐ về những lợi ích khi ký kết TƯLĐTT. Cùng quan điểm này, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở mong muốn được tập huấn nhiều hơn kỹ năng thương lượng, đàm phán, thuyết trình, đồng thời tăng cường sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đôn đốc, nhắc nhở DN xây dựng TƯLĐTT; hướng dẫn, tư vấn, cung cấp thông tin, văn bản pháp luật liên quan cho công đoàn cơ sở trong quá trình xây dựng TƯLĐTT…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thỏa ước lao động tập thể: Vai trò “cầu nối” và lợi ích kép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.