(HNMO) - Sáng 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng thiết chế xã hội nông thôn, cùng với hệ thống chính trị ở cơ sở để tạo ra mô hình xã hội thực sự tham gia vào sự phát triển của địa phương.
Trả lời chất vấn của đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh) về giải pháp phát triển nguồn vốn xã hội để phục vụ cho nền kinh tế nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vốn xã hội là vô hình, nhưng nếu chuyển hóa được thì có thể trở thành sức mạnh cộng hưởng cho hữu hình là vốn kinh tế. Bộ trưởng khẳng định, xã hội và văn hóa cũng là nguồn lực, nguồn vốn quan trọng; niềm tin xã hội, niềm tin của người dân, sự cố kết cộng đồng nông thôn góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
“Trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chúng tôi cũng thiết kế điều khoản xây dựng thiết chế xã hội nông thôn với nhóm nghề nghiệp, nhóm xã hội nông thôn, cùng với hệ thống chính trị ở cơ sở để tạo ra mô hình xã hội thực sự tham gia vào sự phát triển của địa phương”, Bộ trưởng nói.
Đối với việc ổn định giá cả các mặt hàng để làm nguyên liệu cho sản xuất do đại biểu Thổ Út (Đoàn Đồng Nai) chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, phải thay đổi mô hình sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu vào; từ mô hình cũ sang mô hình mới cũng cần cơ chế hỗ trợ để tạo động lực thay đổi cho người nông dân. “Chúng ta cân nhắc quá nhiều cho cái giá phải trả cho sự thay đổi nhưng ít cân nhắc về cái giá phải trả cho sự không thay đổi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, thể hiện rõ vai trò doanh nghiệp trong dẫn dắt, cung cấp thông tin thị trường. Chính sách tương đối đầy đủ, nhưng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có điều kiện nhất định, cách tiếp cận của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn bởi đầu ra của nền nông nghiệp bấp bênh thì đầu vào cũng bấp bênh. Bộ trưởng cho rằng, nếu các địa phương cùng với bộ rà soát lại từng dự án thì có thể khắc phục được khó khăn.
Tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần dùng các công cụ điều hành chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch để có được sự phát triển trong thời gian tới. Bộ trưởng cho rằng, cần căn cứ vào nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao; không tối đa hóa sản lượng, mà tối ưu hóa giá trị…
Đối với việc sửa đổi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước mắt, trong tháng 7-2022, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa Nghị định số 57/2018/NĐ-CP theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ, lồng ghép các chính sách và nguồn lực thực hiện các chính sách.
"Các chính sách trong Nghị định số 57/2018/NĐ-CP tương đối đầy đủ nhưng chúng ta không bố trí được nguồn lực đi kèm. Để xảy ra vấn đề này, có phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tham mưu", Bộ trưởng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.