Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng theo tiêu chí ’’bền vững’’

Thanh Hiền| 12/03/2023 07:22

(HNM) - Những năm gần đây, Việt Nam đang dần trở thành trọng điểm sản xuất, cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối quốc tế và được kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn bán lẻ lớn. Tuy nhiên, để giữ vững được lợi thế này, việc đáp ứng các tiêu chí "bền vững” là nhiệm vụ cần được chú trọng.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của Việt Nam trong siêu thị AEON tại Nhật Bản. Ảnh: Phạm Tuân

Thời gian qua, bên cạnh việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam, các tập đoàn phân phối bán lẻ còn là kênh xuất khẩu trực tiếp hiệu quả, bền vững, đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới tay hàng triệu người tiêu dùng thế giới thông qua các hệ thống phân phối nước ngoài. Trong đó, các tập đoàn phân phối nước ngoài như: Walmart, AEON, Central Retail, Lotte, Mega Market… đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng một số địa phương để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam trong hệ thống của họ trên thị trường thế giới.

Thông tin về việc đưa hàng Việt vào tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ Hoa Kỳ, Giám đốc cao cấp Phụ trách nguồn cung của Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) Aly Ansari cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đang dần trở thành trọng điểm sản xuất, cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối của Walmart với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD.

Tương tự, đại diện Tập đoàn Decathlon (doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ hàng đầu châu Âu, chuyên cung cấp các sản phẩm thể thao) thông tin, hiện hàng hóa sản xuất ở Việt Nam của tập đoàn này được xuất đi 14 cảng biển trên thế giới, với thị trường chủ đạo gồm các nước châu Âu như: Pháp, Nga, Bồ Đào Nha, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tin từ Tập đoàn Decathlon cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế như cân bằng giữa chi phí lao động và kỹ năng nhân công ở trình độ trung bình cao, nên trong những năm tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành địa điểm sản xuất hàng hóa lớn thứ hai thế giới của Tập đoàn này.

Bên cạnh đó, các bên còn hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, thúc đẩy phát triển bền vững. Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân khẳng định, thành công của Tập đoàn cho đến hôm nay không chỉ gói gọn trong kinh doanh mà còn là cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng Việt. Nhiều chương trình nâng đỡ cộng đồng và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Central Retail triển khai trong thời gian qua, như: Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan thường niên, hay Tuần lễ hàng nông sản được tổ chức khắp các địa phương của Việt Nam...

Song song đó, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển toàn diện thương hiệu cạnh tranh để thâm nhập được vào hệ thống phân phối bán lẻ và hỗ trợ nông dân địa phương phát triển sinh kế bền vững thông qua các chương trình thu mua nông sản với mức chiết khấu 0%…

“Ngoài việc hỗ trợ người tiêu dùng ở thị trường nội địa, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn ở Thái Lan, Italia... với chất lượng bảo đảm. Đây cũng là tiêu chuẩn mà Tập đoàn đặt ra khi thu mua hàng hóa tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Bích Vân nói.

Còn theo Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Shiotani, trước đây, 70% kim ngạch nhập khẩu chuối tươi của Tập đoàn AEON là sản phẩm của Philippines. Đến năm 2022, AEON bắt đầu triển khai nhập chuối từ Việt Nam do người tiêu dùng nhận thấy nông sản này có vị tươi ngon hơn hẳn so với các nước khác. Do đó, thời gian tới, AEON sẽ mở rộng và nâng sản lượng nhập khẩu chuối Việt Nam vào hệ thống AEON Nhật Bản.

Để trở thành nhà cung ứng hàng hóa cho hệ thống bán lẻ quốc tế, Giám đốc cao cấp Phụ trách nguồn cung của Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) Aly Ansari cũng lưu ý, các nhà cung ứng cần bảo đảm yếu tố về tuân thủ luật pháp, quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đồng hành thực thi trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Về phía Tập đoàn MM Mega Market, đơn vị này cũng khẳng định việc bảo đảm chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hệ thống của MM Mega Market không chỉ cung cấp sản phẩm cho các khách hàng cá nhân, mà còn có đối tác là các nhà hàng, căng tin, khách sạn, bếp ăn công nghiệp... Vì vậy, việc bảo đảm chất lượng là giải pháp phát triển kinh doanh bền vững.

Như vậy, để hàng Việt có được vị trí vững chắc trên kệ hàng của nhà bán lẻ quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường và trọng tâm là chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng theo tiêu chí ’’bền vững’’

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.