(HNM) - Sàn giao dịch công nghệ có vai trò cốt lõi trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ... Xây dựng và vận hành Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhu cầu phát triển, góp phần thúc đẩy hình thành thị trường khoa học và công nghệ...
Mong muốn của các viện, trường và doanh nghiệp
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thời gian tới. Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” và Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội đến năm 2030 cũng chỉ rõ yêu cầu, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 là: Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội, tiến tới là Sàn giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của thế giới.
Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn, sàn giao dịch công nghệ là nơi cung cấp, phát triển thông tin, nhằm tăng cường giá trị giao dịch hàng hóa khoa học, công nghệ; hỗ trợ và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng cường gắn kết nghiên cứu và phát triển (R&D) với sản xuất, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam. Việc thành lập sàn giao dịch công nghệ sẽ đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo động lực và giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học, gắn kết nghiên cứu khoa học với cuộc sống.
Hình thành sàn giao dịch công nghệ là nguyện vọng, mong muốn từ nhiều năm nay của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, do các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ chưa thực sự phát triển, chưa thể hiện được chức năng kết nối cung - cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nên thời gian qua, Học viện chỉ chuyển giao được một số ít kết quả nghiên cứu, không thu được nhiều kinh phí để tái đầu tư cho khoa học. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật để cải tiến sản phẩm hoặc làm ra một sản phẩm mới, lại không biết tìm công nghệ ở đâu.
Để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1442/QĐ-UBND ngày 28-4-2022 phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội”. Theo đó, sẽ hình thành một tổ chức trung gian thị trường công nghệ của Hà Nội, có vai trò là một đầu mối tập trung cung cấp thông tin, xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có khả năng kết nối với các tổ chức trung gian trong nước và quốc tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu, trao đổi nhu cầu thực hiện các giao dịch về công nghệ, thực hiện ứng dụng, chuyển giao công nghệ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Điều kiện để tiếp cận công nghệ tiên tiến
Theo đề án, trụ sở hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội đặt tại Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội - Khu liên cơ Võ Chí Công, số 258 Võ Chí Công (phường Xuân La, quận Tây Hồ). Mô hình hoạt động của “sàn” gồm 2 hình thức, trong đó, sàn vật lý trực tiếp là nơi trưng bày các sản phẩm công nghệ, địa điểm gặp gỡ của các bên cung - cầu cũng như tổ chức các hoạt động kết nối trung gian của thị trường công nghệ. Còn sàn trực tuyến hoạt động với mô hình sàn thương mại điện tử chuyên về công nghệ - thiết bị, là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới cũng như cơ sở dữ liệu về thiết bị khoa học và công nghệ.
Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho rằng, việc đầu tư thành lập sàn giao dịch công nghệ hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước, nhằm bảo đảm và nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong việc phát triển thị trường khoa học, công nghệ theo đúng định hướng quốc gia và địa phương, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng bởi yếu tố lợi nhuận. Còn Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết chia sẻ, sự ra đời của sàn giao dịch công nghệ là môi trường tốt để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất của nước ngoài.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội được xây dựng sẽ góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của UBND thành phố về định hướng khoa học và công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư, công nghệ của thành phố, tạo thói quen giao dịch công nghệ, thúc đẩy thị trường công nghệ quốc gia. Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là các nguồn công nghệ nội sinh từ các viện, trường, cơ quan nghiên cứu trong nước.
Dự kiến đến quý III-2023, Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Hy vọng, Sàn sớm kết nối với sàn giao dịch công nghệ ở các địa phương trong cả nước để có những định chế trung gian thật hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các nhà khoa học và doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.