(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong việc hình thành và vận hành sàn giao dịch công nghệ. Hiện nay, thành phố được Chính phủ giao nghiên cứu, thí điểm mô hình sàn giao dịch công nghệ quốc gia, kết nối thị trường khoa học công nghệ vùng Đông Nam Bộ.
Nhiều tín hiệu khả quan
Chợ công nghệ và thiết bị thành phố Hồ Chí Minh (Techmart) do Trung tâm Thông tin và Thống kê thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (gọi tắt là Trung tâm) xây dựng và vận hành từ năm 2002, phục vụ cộng đồng và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị. Từ mô hình đầu tiên này, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai các sàn giao dịch công nghệ của địa phương mình.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2016, hệ thống này được nâng cấp thành Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (Techport.vn). Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, mô hình này đã bước đầu tạo môi trường giao dịch, tìm kiếm đối tác thuận lợi trên mạng internet, với sự tham gia của các bên cung - cầu công nghệ và một số tổ chức dịch vụ trung gian.
Tính đến hết năm 2022, Techport.vn đã tập hợp, kết nối gần 15.600 công nghệ và thiết bị của 2.053 nhà cung ứng trong và ngoài nước. Cổng thông tin này cũng đã thiết lập mạng lưới hơn 3.000 tổ chức, chuyên gia tư vấn; thực hiện hơn 560 dự án tìm kiếm đối tác. Trung tâm đã tổ chức thành công 2 kỳ Techmart quốc gia; 18 kỳ Techmart tại các địa phương. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã định kỳ tổ chức 20 kỳ Techmart chuyên ngành tại thành phố Hồ Chí Minh, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ngay trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 (2021-2022), đơn vị cũng tổ chức được 4 kỳ Techmart trực tuyến, thu hút gần 8.000 người tham gia.
Quyền Giám đốc Trung tâm Nguyễn Đức Tuấn cho biết, tính đến hết năm 2022, Techport.vn đã thu hút 1,78 triệu lượt truy cập, 737.758 lượt người dùng và 213.229 lượt kết nối giao dịch. Đáng chú ý, Techport.vn đã phối hợp với đối tác Hàn Quốc tổ chức sự kiện kết nối cung cầu công nghệ hai nước; phối hợp với đối tác Đức tổ chức sự kiện triển lãm Analytica Vietnam 2019, 2023; phối hợp với đối tác Israel giới thiệu các thành tựu nổi bật ứng dụng trong lĩnh vực y tế kỹ thuật cao…
Hoàn thiện mô hình
Ngày 23-11-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai chương trình, Chính phủ giao cho thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề án kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương trong vùng.
Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh) Phan Quốc Tuấn cho rằng, để có mô hình mới phù hợp quy mô mới, đơn vị đã xác định 7 hạn chế của mô hình sàn giao dịch công nghệ hiện tại, từ đó tham mưu cho Sở và UBND thành phố triển khai mô hình mới hoàn thiện hơn. “Một là khung pháp lý cho mô hình này chưa đầy đủ. Hai là vẫn còn nhận thức khác nhau về vai trò của thị trường khoa học và công nghệ. Ba là hạn chế về công nghệ thông tin khiến thị trường chưa liên thông. Bốn là việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ nghiên cứu, phát minh mới còn nhiều khó khăn. Năm là nhiều doanh nghiệp lên sàn mua bán thiết bị chứ không phải công nghệ. Sáu là các tổ chức trung gian thiếu và yếu. Bảy là thị trường khoa học và công nghệ trong nước chưa kết nối với thị trường quốc tế”, ông Phan Quốc Tuấn nói.
Nhiều chuyên gia, doanh nhân cũng đồng tình với những nhận định này. Bà Đinh Thị Hồng Sương (Công ty D&H Retek USA, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Doanh nghiệp của tôi muốn tìm mua công nghệ phù hợp nên rất cần tư vấn trong việc lựa chọn sản phẩm. Mô hình sàn giao dịch cần có đội ngũ tư vấn chất lượng”.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Quang (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bản thân ông và các cộng sự đã nghiên cứu thành công nhiều công nghệ mới, nhưng rất khó định giá để giao dịch. “Liệu mô hình sàn giao dịch mới có thể giúp chúng tôi định giá công nghệ hay gọi vốn nâng cấp công nghệ được hay không?”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Quang đặt câu hỏi.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng khẳng định, nguyên tắc chung là cơ quan quản lý nhà nước vận hành sàn giao dịch công nghệ để kết nối 4 nhà (nhà đầu tư - nhà khoa học - nhà cung ứng - doanh nghiệp). Những việc còn lại như kiểm định, tư vấn, định giá, gọi vốn đầu tư… do các bên và thị trường quyết định. Sở sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp, tư vấn để tham mưu hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình sàn giao dịch công nghệ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.