(HNM) - Đề án
Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học góp phần giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Ảnh: Thái Hiền |
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện quy tắc này mới chỉ mang tính phong trào. Nguyên nhân chính là do nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, bởi vậy đây là khâu cần vận hành đầu tiên.
Quy tắc mới nằm trên giấy
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định: Việc triển khai cuộc vận động xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh (HS) tích cực" của Ngành GD-ĐT những năm gần đây có thể coi là cách tiếp cận xây dựng văn hóa học đường, nhưng việc tổ chức thực hiện về cơ bản vẫn dừng lại ở một hoạt động mang tính phong trào. Trên thực tế, việc xây dựng một cách có ý thức các chuẩn mực, giá trị tạo nên văn hóa nhà trường còn hình thức, chưa thực sự được coi trọng...
Ngày 4-2-2016, để cụ thể hóa Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020" của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch 410/QĐ-BGDĐT, trong đó giao nhiệm vụ cho các sở GD-ĐT, nhà trường xây dựng Quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Kết quả khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, hầu hết các nhà trường đã quan tâm và bước đầu triển khai việc xây dựng, thực hành Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Tuy nhiên, đa số các bộ quy tắc ứng xử được xây dựng còn chung chung, khó nhớ, ít khả thi.
Theo dẫn chứng của TS Trương Đình Chiến (Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), hiện quy tắc này chỉ được các nhà trường nhắc đến khi có đợt kiểm tra về việc thực hiện nội dung phòng chống tham nhũng trong nhà trường, còn ý nghĩa cơ bản của quy tắc ứng xử trong việc giáo dục HS lại chưa được quan tâm. Đó là lý do tại sao các đơn vị ít đầu tư cho biên soạn, chưa quan tâm phổ biến, tạo cho quy tắc có sức sống thường xuyên trong các hoạt động giáo dục.
Người xây dựng nhiều khi đưa vào những nội dung duy ý chí, rườm rà, khó nhớ, chưa thể hiện rõ những quy định của từng đối tượng cụ thể như ứng xử của HS với HS, với bạn học, với khách đến trường ra sao; thậm chí cả ứng xử của HS với môi trường sư phạm, với cơ sở vật chất của trường như thế nào cho có văn hóa cũng chưa được quan tâm. Rõ ràng, việc thực hiện mới là hình thức, "đánh trống bỏ dùi" và các quy định mới dừng lại ở việc ban hành trên giấy, chưa đi vào thực tế.
Thay đổi nhận thức là "gốc"
Cũng theo TS Trương Đình Chiến, việc xây dựng văn hóa học đường, cụ thể là việc ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học không phải là vấn đề mới, nhưng chưa được quan tâm vì có sự lệch lạc, thiếu sót trong nhận thức của chính đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, ban giám hiệu nhà trường. Vì vậy, tác dụng của Quy tắc ứng xử trong việc xây dựng nền nếp văn hóa nhà trường còn hạn chế.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng Quy tắc ứng xử văn hóa không chỉ nhằm giáo dục HS, mà còn có tác động mạnh mẽ, tích cực đến chất lượng đội ngũ nhà giáo. Vấn đề đáng lưu tâm hiện nay là, nhiều cán bộ quản lý giáo dục còn ngộ nhận, chưa nhận thức đầy đủ được rằng, có không ít giáo viên còn yếu về kỹ năng làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đến quá trình hình thành nhân cách HS. Muốn giáo dục HS thì chính đội ngũ nhà giáo phải nâng cao năng lực, kỹ năng của mình, bắt đầu từ những điều tưởng chừng nhỏ trong quy tắc ứng xử với HS, với đồng nghiệp, với phụ huynh, với các tình huống "có vấn đề" liên quan tới HS...
Từ năm 2010, Hà Nội đã biên soạn thành công và đưa vào giảng dạy đại trà ở các nhà trường của ba cấp học (tiểu học, THCS, THPT) tài liệu "Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho HS", trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước có cách tiếp cận với việc xây dựng văn hóa học đường theo cách riêng. Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Thực tế 5 năm triển khai tại các nhà trường cho thấy nội dung này đã có tác động tích cực đến ý thức, hành vi của HS, góp phần hình thành nếp văn hóa HS Thủ đô.
Các em được học từ việc đi đứng, nói năng, cách ăn mặc khi tới trường, lúc ra đường, đến việc xử lý các tình huống khi tham gia giao thông, ở nơi công cộng... Chính mỗi bài giảng cũng tác động mạnh tới ý thức tự hoàn thiện của từng giáo viên, giúp đội ngũ này nhận thức rõ hơn rằng, để thu phục được HS, bản thân mình không chỉ cần vững chuyên môn, mà còn phải thực sự gương mẫu, trước tiên trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử văn minh, thanh lịch ở trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy) cho rằng, trong quá trình giáo dục HS, xây dựng nếp văn hóa học đường, người thầy đóng vai trò dẫn lối. Trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, nhiệm vụ của thầy, cô giáo không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức, mà quan trọng hơn là bồi dưỡng cho các em về kỹ năng, để những nét đẹp văn hóa trở thành thói quen trong nếp sống hằng ngày. Muốn vậy, những nét đẹp văn hóa ấy cần được chính thầy, cô giáo thể hiện bằng những việc cụ thể hằng ngày để học trò noi theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.