(HNMO) - “Quản lý người nổi tiếng trên mạng” là 1 trong 19 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra trong Kế hoạch hành động cập nhật triển khai Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành.
Trong đó, quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo với các nghệ sĩ, KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong, mỹ tục, dự kiến được hoàn thành vào tháng 10-2023. Nhiệm vụ này sẽ do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai.
Ngoài việc đưa ra biện pháp quản lý nghệ sĩ, KOL trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông (trực tiếp là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) còn đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp khác để quản lý thông tin trên mạng như: Tổ chức hội nghị kết nối với các mạng lưới đa kênh (MCN) và những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng vào tháng 5-2023 để kết nối, định hướng thông tin và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức đoàn kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới, trong đó tập trung thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam…
Cùng với đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ thường xuyên duy trì đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới phải chặn, gỡ thông tin xấu độc với tỷ lệ đáp ứng cao, từ 90-95%, với thời gian xử lý dưới 24 giờ; khóa các trang, kênh vi phạm nghiêm trọng; phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật; gỡ các game không phép trên Google Store và Apple Store. Đồng thời, thường xuyên định hướng, chỉ đạo trực tuyến mạng lưới trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có lượng người truy cập lớn, bảo đảm hoạt động đúng quy định.
Cũng tại kế hoạch này, Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật các mục tiêu của Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử. Trong đó, với lĩnh vực thông tin điện tử, các mục tiêu cần đạt gồm: Xử lý từ 80% trở lên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội có hoạt động “báo hóa”, tiến tới xử lý dứt điểm; đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới đạt từ 90-95%; tăng số lượng tài khoản người dùng mạng xã hội Việt Nam từ 90 triệu tài khoản lên 120 triệu tài khoản; thị phần quảng cáo trực tuyến của các doanh nghiệp trong nước tăng từ 5-10%...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.