(HNMO) - Chiều 20-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đồng thời, việc sửa đổi Luật cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.
Trong đó, bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá; việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền, chưa thuộc hoạt động của đối tượng báo cáo quy định tại Luật này.
Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo ngoài các hoạt động cụ thể được quy định tại Luật. Đồng thời, quy định Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các dữ liệu để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu tội phạm; nghiên cứu việc bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản; mua, bán sáp nhập doanh nghiệp...
Bổ sung quy định về việc quản lý, quyền sử dụng thông tin dữ liệu thu được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bổ sung quy định về bảo mật và công bố thông tin trong quá trình thực hiện phòng, chống rửa tiền phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Đồng thời tiếp tục rà soát, chỉnh lý kỹ thuật lập pháp dự thảo Luật. Trong đó lưu ý các khái niệm về rửa tiền; bổ sung khái niệm “dấu hiệu đáng ngờ”; giải thích thuật ngữ “tổ chức tài chính”; làm rõ hơn khái niệm về sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo… trong dự thảo Luật.
Tăng cường trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở thực tiễn và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hình thức văn bản là Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), gồm 3 chương với 57 điều (tăng 1 điều so với Nội quy hiện hành), trong đó, bổ sung 9 điều, sửa đổi 43 điều, kế thừa nguyên văn 5 điều.
Trong đó, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tham dự kỳ họp nhằm tăng cường trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp. Sửa quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi không thể tham dự kỳ họp hoặc phiên họp tại kỳ họp nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của đại biểu, khắc phục tình trạng nhiều đại biểu vắng trong thời gian qua.
Sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp theo hướng tiếp tục áp dụng đổi mới, cải tiến về tài liệu kỳ họp đã được triển khai hiệu quả từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, theo đó tờ trình, báo cáo, dự thảo luật, nghị quyết được gửi tới đại biểu Quốc hội bằng hình thức văn bản điện tử. Bổ sung quy định về hình thức làm việc trực tuyến, theo đó Quốc hội có thể họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến. Sửa đổi, bổ sung quy định về chất vấn tại phiên họp toàn thể theo hướng giảm thời gian đại biểu Quốc hội nêu chất vấn xuống không quá 1 phút/lần, giảm thời gian trả lời chất vấn xuống không quá 3 phút/câu hỏi.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định, việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội trong tổng thể đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; khắc phục những tồn tại, bất cập của một số quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội; nội quy hóa những cải tiến, đổi mới về công tác tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội đã được kiểm nghiệm có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay để áp dụng ổn định, thống nhất.
Cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; Thủ tướng Chính phủ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Đoàn về các nội dung nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.