(HNM) - Sự đổi thay của xã Minh Phú (Sóc Sơn) trong một vài năm gần đây là điều dễ nhận thấy. Nhưng thực tế đời sống của người dân nơi đây còn chưa hết khó khăn; công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã cũng còn nhiều gian nan...
Minh Phú là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sóc Sơn, kinh tế thuần nông. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là hơn 2.035ha, trong đó có 622ha đất lâm nghiệp, hơn 580ha đất nông nghiệp, chủ yếu trông vào hai vụ lúa và một số rau màu. Bởi vậy, thu nhập bình quân đầu người hiện nay mới đạt 19 triệu đồng/người/năm và có tới 5,1% hộ nghèo.
Thực tế cho thấy, cơ cấu kinh tế của Minh Phú chuyển dịch chậm là do hạn chế về vị trí địa lý. Ông Nguyễn Văn Nghị, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, xã tuy rộng nhưng vùng núi thấp chiếm tới 30% diện tích đất tự nhiên, giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phần lớn là đường đất hoặc bị xuống cấp... Ngoài ra, xã còn gặp khó khăn về hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. 8 thôn của xã phụ thuộc vào 7 hồ đập và các trạm bơm trên địa bàn nhưng các công trình này đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu, vì vậy giá trị canh tác của xã chỉ đạt 110 triệu đồng/ha, thấp hơn gần 50% so với bình quân chung của thành phố.
Khắc phục những hạn chế đó, những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế với những biện pháp cụ thể. Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực tập trung cho xây dựng NTM, trọng tâm là thực hiện dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân... Đến nay, Minh Phú đã dồn điền, đổi thửa được 157,8ha, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Xã đã tổ chức được 2 vùng sản xuất lúa hàng hóa năng suất chất lượng cao, chiếm khoảng 65% tổng diện tích gieo cấy; chuyển đổi những diện tích cấy lúa năng suất bấp bênh sang canh tác các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao như rau màu hơn 190ha, cây ăn quả 50ha, chè 2ha và phát triển đàn gia súc, gia cầm... Trong vòng 3 năm qua, xã đã tổ chức 9 lớp đào tạo nghề thu hút 315 lao động tham gia học các ngành chăn nuôi, thú y, cây cảnh, hàn xì, may công nghiệp. Từ các nguồn hỗ trợ khoảng 110 tỷ đồng, Minh Phú đầu tư kiên cố hóa giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng...
Tuy nhiên, do đời sống vật chất của người dân còn nhiều thiếu thốn nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM cũng bị hạn chế. Minh Phú đã có chương trình chuyển đổi cải tạo, đất lâm nghiệp để trồng các loại cây ăn quả nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian đầu nhiều hộ dân tích cực tham gia, nhưng do không áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật, thổ nhưỡng lại không phù hợp hoặc gặp khó khăn trong tiêu thụ nên không mang lại hiệu quả như mong muốn. Mặc dù quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp bằng việc nhân cấy nghề mới song ngành nghề đưa vào rất khó trụ vững tại địa phương, dẫn đến một bộ phận lao động "ly hương", tìm kiếm công việc ở nơi khác. Ông Nguyễn Văn Nghị cho biết, trong xây dựng NTM, điều mà cấp ủy, chính quyền xã Minh Phú luôn trăn trở là chưa nâng cao được thu nhập cho người dân. Theo lộ trình, năm 2015 Minh Phú sẽ hoàn thành xây dựng NTM nhưng kết thúc năm 2013, xã mới thực hiện được 8/19 tiêu chí, vì vậy đã bị loại khỏi danh sách các xã của huyện Sóc Sơn hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và phải chuyển sang giai đoạn 2 (2016-2020).
Theo kế hoạch, trong năm nay, Minh Phú phấn đấu hoàn thành thêm 6-7 tiêu chí về xây dựng NTM. Quyết tâm là vậy, nhưng xem ra còn khá nhiều gian nan ở phía trước, đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vươn lên hơn nữa của chính quyền và bản thân người dân địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.