Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mang bản sắc riêng

Nguyễn Mai| 07/10/2022 06:24

(HNM) - Bước sang giai đoạn 3 của chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở cấp độ cao hơn, đó là nông thôn mới kiểu mẫu. Với mục tiêu năm 2022 có thêm 15 xã “về đích”, thành phố đã tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh nổi bật của mỗi địa phương, tạo nên những xã nông thôn mới kiểu mẫu mang bản sắc riêng...

Sản xuất đồ gỗ nội thất tại xã Liên Hà (huyện Đan Phượng).

Kiểu mẫu trên nhiều lĩnh vực

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến nay, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đều ở huyện Đan Phượng, được đánh giá theo bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 (Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020) trên 7 lĩnh vực. Trong đó, xã Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về 5 lĩnh vực: Môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch. Xã Liên Hà đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về 3 lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất. Xã Song Phượng và xã Tân Hội đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về 3 lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế. Xã Thọ Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục và đào tạo, y tế.

Là địa phương duy nhất của thành phố Hà Nội có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Huyện Đan Phượng yêu cầu các xã bám sát bộ Tiêu chí của trung ương và thành phố về xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở những tiêu chí cụ thể, các xã lựa chọn, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong từng lĩnh vực; đồng thời bảo đảm các tiêu chí chung như: Thu nhập bình quân/người/năm; không có hộ nghèo; không nợ xây dựng cơ bản...

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) Nguyễn Quang Lục thông tin: Liên Hà có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với nghề mộc dân dụng. Xã tổ chức sản xuất, hỗ trợ người dân phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm thường xuyên cho 94% số lao động địa phương và gần 4.000 lao động ngoài xã với thu nhập ổn định... Còn Chủ tịch UBND xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) Bùi Anh Tùng cho biết, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Song Phượng tập trung xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; rác thải được thu gom, vận chuyển trong ngày; các mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn xã hoạt động hiệu quả...

Phát huy tối đa đặc thù, lợi thế

Tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành bộ Tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, các tiêu chí ở giai đoạn trước được nâng lên ở mức độ cao hơn. Thêm điểm mới là mỗi xã phải có ít nhất một mô hình nông thôn thông minh. Đối với tiêu chí kiểu mẫu, các xã tự chọn hoàn thành một trong 8 lĩnh vực: An ninh trật tự; môi trường; sản xuất; y tế; văn hóa; giáo dục và đào tạo; du lịch; chuyển đổi số.

Năm 2022, huyện Đan Phượng phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến các xã, thị trấn, làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chính quyền số (sử dụng dịch vụ công trực tuyến…); kinh tế số (tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm…).

Tại huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài cho biết, xã đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. "Phù Đổng xác định xây dựng mô hình "thôn thông minh" là một trong những tiêu chí đạt mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 và chọn thôn Phù Đổng 2 làm điểm. Thôn đã thành lập trang thông tin, nhóm thông tin của các tổ liên gia và các đoàn thể trên ứng dụng Zalo. Tất cả các hộ dân đều được tiếp cận với thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện...", ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương thay đổi mạnh mẽ về tư duy; nhận thức toàn diện về phát triển nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới trên cơ sở phát huy tối đa đặc thù, lợi thế. Hiện Văn phòng cùng với các địa phương đang tiếp tục rà soát chính sách về hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đặc biệt tại các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, thủy sản và đầu tư cơ giới hóa trong phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống cho nông dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mang bản sắc riêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.