Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng những tác phẩm sân khấu về Hà Nội luôn đòi hỏi sự tinh tế

Mai Đình| 09/10/2022 06:03

(HNMCT) - Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoàng Quỳnh Mai nổi tiếng với nhiều vở cải lương như “Cung phi Điểm Bích”, “Vua Thánh triều Lê”, “Bến nước Ngũ Bồ”... Trong những năm gần đây, chị tham gia dàn dựng các tác phẩm sân khấu chèo, tuồng và dân ca kịch. Những tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử của chị luôn thể hiện góc nhìn sâu sắc, cách dàn dựng sáng tạo, góp phần tôn vinh, quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến.

- Trong số 13 vở diễn tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô năm nay, riêng chị đã có 2 tác phẩm. Dường như đây là cơ duyên đối với chị?

- Kỳ liên hoan năm nay, trong vai trò đạo diễn, tôi vinh dự có hai vở diễn tham gia, một vở chèo và một vở cải lương. Vở “Trung trinh liệt nữ” được lựa chọn diễn khai mạc Liên hoan, đó là niềm vinh dự của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội cũng như ê kíp sáng tạo. “Trung trinh liệt nữ” cũng là lời tri ân với các bậc tiền nhân, đặc biệt là đối với sự hy sinh cao cả của những người phụ nữ thời Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông.

Tác phẩm thứ hai là vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Tôi xây dựng lại hình ảnh Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, người dám tuẫn tiết cho Hà Nội. Trong vở diễn này, tôi tâm đắc câu nói: “Tôi đến nơi đây làm tổng đốc Hà thành không phải là ngồi lên chiếc ghế đó, hưởng lợi cho riêng mình mà tôi muốn cùng với muôn dân gìn giữ và bảo vệ Hà Nội”. Và câu cuối cùng kết thúc vở khi ông tuẫn tiết trên thành Hà Nội, đó là: “Sau này người đời có nhớ đến ta thì đừng nhớ về một Tổng đốc, mà hãy nhớ ta chỉ là một người dân bình thường dám sống và chết cho Hà Nội”. Tôi muốn gửi đến khán giả thông điệp: Hà Nội rất cần một minh quân bởi đây là trái tim của cả nước.

- Thường xuyên tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô, chị hy vọng gì ở sân chơi này?

- Tôi tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô từ lần thứ nhất (năm 2014) và đã đoạt Huy chương Vàng với vở “Hà Nội gió mùa”. Lần thứ hai tôi giành Huy chương Bạc với vở “Kiếp tằm”. Yêu Hà Nội nên tôi rất hào hứng tham gia những cuộc thi, liên hoan hướng về Hà Nội, mong muốn chinh phục những khán giả khó tính như “kẻ sĩ Bắc Hà”. Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều anh tài trong lĩnh vực sân khấu nên tôi luôn cố gắng khẳng định mình qua từng tác phẩm.

- Chị làm mới những vở diễn về đề tài Hà Nội như thế nào?

- Mỗi lần làm vở mới tôi đều nghiên cứu một cách bài bản, tìm ra một chìa khóa riêng. Khi làm về cụ Nguyễn Tri Phương, tôi đến thăm cổng thành Cửa Bắc và đưa nó trở về không gian vở diễn. Tôi cũng tưởng tượng trên sân khấu hình ảnh chiếc ghế Tổng đốc Hà Nội, gửi gắm vào đó khao khát của muôn đời về một vị thủ lĩnh Hà thành dám sống chết cho mảnh đất này. Còn vở “Trung trinh liệt nữ” lại là hình ảnh về một người con gái nhà Trần dám hy sinh để bảo vệ Thăng Long. Ngoài việc đọc nhiều tư liệu lịch sử về bà, tôi còn đi thực tế, từ đó mới sử dụng hình ảnh chủ đạo trên sân khấu là chiếc quạt. Bên cạnh đó là hình ảnh tà áo của người phụ nữ xếp bởi những chiếc quạt. Tà áo trinh trắng của người phụ nữ có lúc bị xé ra, có lúc thành ngọn lửa cháy, lúc thành dòng sông, lúc thành con thuyền...

Đối với tôi, Hà Nội luôn là nơi cho mình thỏa sức sáng tạo. Nghệ An là quê hương thứ nhất, còn Hà Nội là quê hương thứ hai của tôi. Ngày ra Hà Nội, tôi luôn nghĩ rằng mình phải giữ được khí chất của người xứ Nghệ và học hỏi văn hóa ứng xử lịch lãm, sang trọng của người Tràng An. Vì thế, xây dựng những tác phẩm sân khấu về Hà Nội luôn đòi hỏi sự tinh tế.

- Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian gần đây, rất khó để tìm kịch bản sân khấu xứng đáng về Thủ đô. Còn chị thấy sao với những kịch bản sân khấu về đề tài Hà Nội?

- Tôi thấy chủ đề về Hà Nội rất phong phú, nhiều người viết lắm, bởi Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là mình tìm ra câu chuyện phù hợp, chứ đâu chỉ có đề tài lịch sử mới đáng nói. Tôi đã thành công trong Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất với một kịch bản hiện đại là “Hà Nội gió mùa”, do PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chuyển thể từ truyện ngắn “Nhiệt đới gió mùa” của nhà văn Lê Minh Khuê.

- Không chỉ cải lương mà NSND Hoàng Quỳnh Mai còn xây dựng các vở chèo, tuồng, dân ca kịch...

- Tôi học văn, và cũng rất yêu lịch sử dân tộc. Từ nhỏ tôi đã đắm chìm trong những câu chuyện lịch sử, và tôi hạnh phúc khi được tôn vinh các anh hùng dân tộc theo cách của sân khấu. Hơn nữa, tôi luôn thích khám phá và chinh phục những thử thách mới. Mình phải nắm vững thủ pháp của từng thể loại thì mới mong thành công. Với cải lương, tôi đã tham gia dàn dựng với rất nhiều đoàn nghệ thuật, tham gia đào tạo khá nhiều diễn viên. Khi dựng tác phẩm chèo, tôi phải học thi pháp chèo, làn điệu của chèo. Còn với tuồng cũng vậy, không thể nào giống chèo hay cải lương. Tuồng thì phải dữ dội, bạo liệt, cải lương thì lãng mạn, bay bổng, còn chèo thì trào lộng, trữ tình. Tức là làm cái gì thì phải ra cái đấy.

- Trân trọng cảm ơn NSND Hoàng Quỳnh Mai!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng những tác phẩm sân khấu về Hà Nội luôn đòi hỏi sự tinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.