Báo Hànộimới đăng toàn văn bài phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ III, ngày 21-12.
đăng toàn văn bài phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ III, ngày 21-12.
Kính thưa đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch danh dự Hội Di sản Văn hóa Việt Nam,
Thưa các đồng chí lãnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Thưa Đoàn Chủ tịch!
Thưa Đại hội!
Hôm nay, tôi rất vui mừng được tới dự Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2014-2019 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Cùng với toàn thể các anh chị em hội viên, tôi xin được chia sẻ niềm vui và chúc mừng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, ghi nhận những đóng góp của Hội đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước trong 10 năm qua.
Là người gắn bó với Hội ngay từ những ngày đầu triển khai công việc thành lập Hội, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Thưa Đại hội!
10 năm là khoảng thời gian không dài nhưng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có sự trưởng thành nhanh chóng. Nhiệm kỳ 2009 – 2014, Hội tiếp tục có bước phát triển toàn diện, vững chắc, cả về số lượng hội viên, tổ chức hội cũng như chất lượng hoạt động. Đến nay, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có gần 5.000 hội viên, sinh hoạt trong 144 tổ chức. Tổ chức của Hội đa dạng với nhiều loại hình phù hợp điều kiện hoạt động tại cơ sở như: hội cấp tỉnh, liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ, công ty, trung tâm, quỹ và 2 cơ quan ngôn luận Tiếng Việt, Tiếng Anh. Hoạt động của Hội ngày càng được mở rộng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Hội viên của hội đều là những người tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Bằng nhiệt tình và trách nhiệm của mình, hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã cùng nhau kết thành một lực lượng rộng lớn, không những tham gia tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mà còn góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động các nguồn lực xã hội phục vụ sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn nhận được sự cộng tác chặt chẽ và quí báu của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, bên cạnh vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội còn là nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, lớn nhất cả nước; nơi có mật độ di sản văn hóa rất cao, với trên 5.000 di tích, trong đó có 2.311 di tích đã xếp hạng, 9 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1.184 di tích cấp quốc gia, 1.118 di tích cấp Thành phố, và một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất đồ sộ. Ngoài ra, Hà Nội còn có 1350 làng nghề, trong đó có 391 làng nghề truyền thống, chiếm hơn 40% số làng nghề cả nước. Với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ như vậy, Hà Nội có thế mạnh văn hóa để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, Hà Nội thường xuyên gặp nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trước những vấn đề phức tạp đó, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tích cực phối hợp, tham gia ý kiến phản biện, cùng suy nghĩ, đề xuất giải pháp giải quyết thỏa đáng. Hội đã tích cực phối hợp với thành phố Hà Nội trong bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, như: Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, Di tích Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội, Làng cổ Đường Lâm, chùa Trăm Gian, cầu Long Biên… ; hay như việc phối hợp để thực hiện tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật trên địa bàn Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, tôi xin chân thành cảm ơn những đóng góp quí báu, hiệu quả và thiết thực của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Thưa Đại hội!
Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết xác định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Một trong những vấn đề quan trọng có tính thời sự hiện nay là việc xây dựng nhận thức đúng đắn để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bảo tồn và phát triển là mối quan hệ biện chứng, tự nhiên. Bảo tồn là sự gìn giữ những giá trị di sản quí báu của quá khứ; phát triển là để tạo ra những giá trị mới, là đối tượng của bảo tồn trong tương lai. Đó là mối quan hệ vừa có tính kế thừa, vừa chọn lọc, bổ sung và phát triển liên tục. Với tinh thần đó, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phải tiếp tục được coi là sự nghiệp của toàn xã hội. Bên cạnh trách nhiệm của các cấp chính quyền thì vai trò của nhân dân là hết sức quan trọng.
Nói đến bảo tồn, không chỉ là ý chí, nguyện vọng mà cần phải có nguồn lực vật chất. Không có nguồn lực vật chất sẽ không xây được bảo tàng để bảo quản, trưng bày hiện vật, không tôn tạo được di tích, cảnh quan, khó bảo tồn được những di sản vật thể cũng như phi vật thể, cũng khó có thể phát huy các giá trị di sản để trở thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của phát triển là vì con người và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng vì con người. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không thể tách rời xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, mà phải cùng bổ sung, bồi đắp cho nhau, để di sản được bảo tồn, phát huy, và kinh tế phát triển bền vững, cùng hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Vì vậy, những quan niệm, nhìn nhận cực đoan, phiến diện một chiều, chỉ coi trọng, đề cao một mặt nào cũng đều không đúng. Với quan điểm, cách nhìn nhận như vậy, vừa qua, chúng ta đã đề ra được những giải pháp phù hợp khi quyết định những vấn đề cụ thể, trong trường hợp cần kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, như ở nhà tù Hỏa lò, đặc biệt là ở công trình nhà Quốc hội mới; hoặc có nơi cần ưu tiên cho bảo tồn, như khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long; lại có nơi cần ưu tiên cho sự phát triển, như một số trường hợp mở đường, xây cầu vượt, cầu qua sông Hồng, khi các dự án phải triển khai ở những nơi có di tích như Đàn xã Tắc, đê La Thành... Những quan niệm và cách làm như vậy, là những kinh nghiệm sinh động, quí báu, đã và đang đem lại lời giải cho những bài toán khó trong xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Nó đã giúp cho việc khắc phục những ý kiến phiến diện, cực đoan, đôi khi muốn phủ nhận, bỏ qua những yêu cầu hết sức quan trọng và cấp bách của cuộc sống.
Thưa Đại hội!
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, kinh tế nước ta từng bước phục hồi, tiềm lực và quy mô kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện; văn hóa, xã hội tiếp tục có bước phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh được tăng cường; hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Thời gian tới, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chúng ta phải chú trọng giải quyết tốt các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong đó nhân dân là chủ thể thực hiện, đội ngũ trí có vai trò quan trọng.
Với thế mạnh của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, có phạm vi hoạt động toàn quốc, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cần trở thành lực lượng quan trọng giúp Đảng và Nhà nước triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Mọi người chúng ta rất vui mừng trước việc các tầng lớp nhân dân đã và đang tham gia hết sức nhiệt tình, tự nguyện và đầy hiệu quả vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Không thể kể hết có biết bao nhiêu là di tích, công trình, cụm công trình trên khắp cả nước đã được nhân dân tự nguyện góp công, góp sức xây dựng, trùng tu, tôn tạo. Nếu chỉ bằng nguồn kinh phí của Nhà nước chúng ta đã không thể thực hiện được một khối lượng công việc to lớn, đầy ý nghĩa như thế. Vì vậy, tôi đề nghị Hội cần phải chủ động hơn nữa trong việc đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực để vận động nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Một vấn đề nữa tôi muốn trao đổi là làm sao để di sản trở thành nguồn lực giúp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đây là vấn đề tưởng chừng không khó, nhưng để kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn là công việc rất không đơn giản. Tại Hà Nội, Làng cổ Đường Lâm là di sản gắn liền với cuộc sống hàng ngày của một cộng đồng làng xã, chịu sự chi phối về quyền sở hữu đối với đất đai, nhà cửa, kể cả không gian văn hóa của người dân. Việc công nhận Làng cổ Đường Lâm mặc dù đã có sự đồng thuận của người dân, nhưng từ sau khi di sản được công nhận người dân Đường Lâm cũng phải chịu đựng nhiều khó khăn do phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với di tích. Nếu không có tiềm lực kinh tế để thực hiện một cách bài bản, có quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy di tích thì cái lợi do bảo tồn mang lại có khi không bù đắp được cho sự phiền hà, trở ngại và những khó khăn mà người dân phải chịu đựng hàng ngày. Những vấn đề như vậy đang rất cần sự tham gia cùng giải quyết của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Xin được nhắc lại câu nói rất nổi tiếng của Gớt, thi hào vĩ đại người Đức, được C.Mác rất tán thưởng: lý luận là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi. Cuộc sống vô cùng sinh động, phong phú, muôn màu, muôn vẻ. Lý luận trong mọi trường hợp, chỉ trở nên hữu ích, được thực tiễn cuộc sống chấp nhận, khi nó là sự dẫn dắt cho sự phát triển đi lên. Tôi tin tưởng rằng, với tâm huyết của đội ngũ hội viên đông đảo, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là nơi tập hợp và phát huy tốt sức mạnh không chỉ của bản thân đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý mà còn của toàn xã hội; thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, hoàn thành phương hướng, mục tiêu của Hội đề ra, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của xã hội.
Mội lần nữa tôi xin chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Chúc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển, tiếp tục là lực lượng quan trọng giúp Đảng, Nhà nước và xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vô cùng quí báu của đất nước.
Xin chúc các đồng chí và các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc!
Xin trân trọng cám ơn!
--------------------------
(*) Đầu đề của Hànộimới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.