(HNM) - Nhu cầu gửi trẻ rất lớn trong khi hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo tại các KCN chưa được quan tâm đúng mức.
Có nơi trông giữ trẻ, người lao động sẽ yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tuấn |
Khó tìm nhà trẻ gửi con
Chị Bùi Thị Liên, 30 tuổi, công nhân Công ty TNHH Toto Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long) cho biết, cả 3 đứa con từ 2 đến 6 tuổi của chị đều được gửi cho ông bà nuôi từ khi 15 tháng tuổi. Trước đó, chị cũng đã cố gắng gửi con ở nhà trẻ tư trong KCN cho tiện chăm sóc nhưng tiền gửi tốn kém (1,2 triệu đồng/tháng/cháu ở độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi), trong khi lương tháng chỉ 5 triệu đồng nên đành mang con về quê và 3-4 tháng mới về thăm con một lần. Chị Liên cho biết, trường công lập ở quanh KCN hiện chỉ thu học phí 300-400 nghìn đồng/tháng, giáo viên tốt, cơ sở vật chất khang trang nhưng không nhận con công nhân. Trường tư hoặc các điểm trông trẻ tư giá cao, chất lượng không tương xứng nhưng phải chấp nhận vì chưa có trường công dành cho con em công nhân. Mới đây, một số ít công nhân đã được gửi con ở trường công lập thị trấn Quang Minh. Nhưng công nhân làm theo ca kíp, trường chỉ nhận chăm sóc trẻ giờ hành chính, nên cha mẹ các cháu lại tốn thêm tiền thuê người đưa đón, trông con trong quãng thời gian bố mẹ chưa tan ca.
KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) hiện có khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động với hơn 10.000 lao động, nhưng vẫn chưa có nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học cho con công nhân. Hàng nghìn nữ công nhân hằng ngày vẫn phải long đong tìm nhà trẻ gửi con. Việc gửi con ở nhà trẻ công lập gặp khó khăn vì công nhân KCN chủ yếu là lao động nhập cư, thu nhập không cao, cơ sở vật chất của nhà trẻ công lập có hạn nên chỉ một số rất ít cháu được may mắn nhận vào nhà trẻ của xã, nơi công nhân trọ hoặc làm việc. Đa số CNLĐ chọn cách gửi con về quê cho người thân chăm sóc hộ. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các KCN-CX trên địa bàn Hà Nội, bởi việc xây nhà trẻ cho con công nhân mới được thí điểm triển khai tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh).
Trên cả nước, CNLĐ phải gửi con tại các cơ sở, các lớp mẫu giáo tư nhân chật chội, không bảo đảm vệ sinh, an toàn, chất lượng dịch vụ kém, chi phí giữ trẻ cao 1,2-1,5 triệu đồng/tháng. Tại các cơ sở này, người trông trẻ không được đào tạo bài bản, không có kỹ năng sư phạm, các cháu không được dạy các kỹ năng cần thiết ở độ tuổi của mình. Những điều đáng tiếc như trẻ bị đánh đập tàn nhẫn, đối xử thô bạo, bị tổn thương thậm chí tử vong đã xảy ra khiến nhiều CNLĐ tay nghề cao cũng phải bỏ việc đưa con về quê...
Những tín hiệu vui
Việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Tuy nhiên, không thể chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp mà cần có sự tiếp sức từ Nhà nước và xã hội. Nhà nước cần có chính sách phù hợp giữa chế độ nghỉ thai sản và quy định về độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào những cơ sở giáo dục mầm non đạt yêu cầu, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em. Nhà nước cũng cần có chính sách yêu cầu doanh nghiệp cùng địa phương chăm lo, xây dựng trường học cho con CNLĐ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Đồng thời, rất cần có cơ chế pháp lý bảo đảm dành quỹ đất cho nhà trẻ, mẫu giáo trong quy hoạch xây dựng KCN, khu nhà ở cho công nhân.
Ðể giải quyết vấn đề này, đầu năm nay, TP Hà Nội đã triển khai dự án xây nhà trẻ, trường mầm non đầu tiên dành cho con em công nhân tại xã Kim Chung (Đông Anh), với vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Dự án bao gồm 9 công trình nhà 2 tầng, nhà phụ trợ trên diện tích 5.288m2, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành với các nhóm lớp, phòng đa năng, bếp ăn, văn phòng hiệu bộ, khu vực giặt và phơi quần áo; sân có vườn hoa, cây cảnh bóng mát, đường nội bộ… Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 10-2015. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, từ năm 2015, tất cả các công trình xây nhà ở cho công nhân tại các KCN-CX trên địa bàn thành phố bắt buộc phải có thiết chế nhà trẻ, mẫu giáo… Đây là thông tin được công nhân mong đợi từ lâu.
Bên cạnh đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22-5-2015 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN-CX. Trong đó, Chính phủ giao Bộ GD-ĐT phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở các KCN trong quá trình xây dựng chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể về chính sách đối với lao động nữ quy định tại Khoản 6, Điều 153 về nghĩa vụ của Nhà nước trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và Khoản 4, Điều 154, Bộ luật Lao động về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, giúp đỡ lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ.
Với sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành trong xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo công lập cho con công nhân tại các KCN, hy vọng nỗi lo về việc gửi con nhỏ sẽ giảm bớt, giúp CNLĐ yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp, phát triển sản xuất - kinh doanh, đóng góp cho cộng đồng và xã hội nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.