(HNM) - 5 năm gần đây, TP Hà Nội đã duy trì và tích cực thực hiện phong trào thi đua trong công tác xây dựng chính quyền. Các ngành, các cấp từ thành phố đến cơ sở vừa chú trọng hình thức tuyên truyền có chiều sâu, vừa tăng cường kiểm tra, giám sát, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, công chức và chính quyền cơ sở, tiến tới mục tiêu cải cách hành chính (CCHC).
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Có thể nói phong trào thi đua "Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh" gắn với cuộc vận động (CVĐ) "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là một trong những phong trào được đẩy mạnh và thu được hiệu quả tích cực ở Hà Nội. Bằng nhiều hình thức phong phú như việc tổ chức quán triệt các nghị quyết của Đảng tiếp tục được đổi mới theo hướng gắn học tập, nghiên cứu và xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được đẩy mạnh. Cấp ủy các cấp đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành 337 đề án, chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, trong đó tập trung xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4, 5, 6 khóa X. Trong thực hiện CVĐ, các ngành, các cấp đều tổ chức chuyên đề, tọa đàm, giao lưu, diễn đàn… gắn với việc quan tâm chăm lo đời sống nhân dân và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo… Những hoạt động chiều sâu đó đã giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, để tiếp tục có những việc làm cụ thể, thiết thực. Thông qua CVĐ, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như bác Trương Thị Nhân, 84 tuổi, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại cơ sở, thường xuyên ủng hộ giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Khoa Phẫu thuật gan (Bệnh viện Việt - Đức) hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh và tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội; anh Đỗ Văn Mạnh, 26 tuổi, Bí thư Đoàn xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), đã mạnh dạn làm kinh tế, chuyển đổi những diện tích trồng lúa có giá trị kinh tế thấp sang trồng cam Canh có giá trị kinh tế cao…
Đặc biệt, các kỳ họp HĐND TP và HĐND các cấp đã từng bước được nâng cao chất lượng. MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng điển hình các phong trào. Công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cán bộ được chọn làm khâu đột phá, triển khai đồng bộ và có chuyển biến trên các lĩnh vực đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và phân cấp quản lý cán bộ. Từ năm 2006 đến 2010, thành phố đã điều động, luân chuyển được 158 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Hướng tới nền hành chính minh bạch
Công tác CCHC được TP Hà Nội xác định là một trong 2 khâu đột phá trong thời gian qua. Các ngành, các cấp đã đẩy mạnh thực hiện CCHC trên 5 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Đồng thời, thành phố đã tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, nhắc nhở, xử lý kịp thời các vi phạm nên đến nay, 100% các đơn vị đã bố trí, tổ chức bộ phận "một cửa", từng bước mở rộng mô hình "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Phong trào thi đua trong công tác CCHC được các đơn vị phát động, đưa vào nhiệm vụ công tác hằng năm. Nhiều hoạt động tìm hiểu về công tác CCHC như "Thanh niên với CCHC", "Công chức trẻ Thủ đô với công tác CCHC"… đã được tổ chức. Đáng chú ý, Đoàn thanh niên nhiều đơn vị đã xây dựng được mô hình thanh niên hoạt động thiết thực, góp phần hiệu quả vào công tác CCHC như: CCHC và hiện đại hóa ngành thuế (Đoàn Thanh niên Cục Thuế Hà Nội); Ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam ở trong nước (Chi đoàn PA18 CATP); CCHC tại bộ phận "một cửa" của Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư, phường Nguyễn Trãi (Hà Đông), Bưởi (Tây Hồ)...
TP Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện Đề án 30 một cách bài bản, vượt chỉ tiêu và đúng tiến độ. Giai đoạn 2 của Đề án 30, Hà Nội đã đơn giản hóa được 71,2% số TTHC (vượt 41,2% so với chỉ tiêu). Phong trào ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ hành chính cho tổ chức và công dân đã được triển khai đồng bộ, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, 100% các sở, ngành đã triển khai xây dựng ISO, trong đó 19 sở, ngành đã được cấp chứng chỉ, 28 quận, huyện và 2 chi cục triển khai hỗ trợ và áp dụng ISO.
Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra công vụ tới từng cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến TTHC; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện, chuẩn hóa thống nhất và thực hiện công khai các quy trình giải quyết TTHC, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng… để bảo đảm tính minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.