Ngày 26-12, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về việc xây dựng mô hình liên ngành “Một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn thành phố Hà Nội” .
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Trước thực trạng bạo lực trên cơ sở giới nói chung, bạo lực với phụ nữ, trẻ em trên địa bàn Hà Nội nói riêng trong thời gian qua diễn ra phức tạp, Hội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội” giai đoạn 2022-2026. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội nghiên cứu, tham mưu xây dựng thí điểm mô hình liên ngành “Một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Trong năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã nghiên cứu tài liệu về mô hình; tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá mô hình “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm”; tổ chức đoàn công tác học tập mô hình Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh và Thanh Hóa, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại thành phố Hồ Chí Minh…
Sau khi đi học tập, nghiên cứu các mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã dự thảo cơ cấu tổ chức, quy trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, cơ chế phối hợp và trách nhiệm của mỗi cơ quan tham gia…
Qua thực tiễn cho thấy, việc triển khai mô hình sẽ góp phần hỗ trợ rất tích cực cho nạn nhân bị bạo lực, cho cả các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý an ninh trật tự, điều tra thân thiện...
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã chia sẻ ý kiến đóng góp xây dựng mô hình về: Cơ cấu tổ chức của mô hình, về việc thành lập tổ công tác liên ngành; vai trò trách nhiệm của từng ngành trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan; các dịch vụ cần thiết hỗ trợ nạn nhân…, để mô hình được triển khai hiệu quả.
Mô hình liên ngành “Một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm tăng cường phối hợp liên ngành hỗ trợ ban đầu theo cơ chế một cửa bảo đảm an toàn, tiếp cận kịp thời các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp về nhu cầu thiết yếu, tâm lý, y tế, pháp lý cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại; kết nối các dịch vụ hỗ trợ tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.